Tuesday, July 17, 2012

Chuồn chuồn làm thuốc


rong y học cổ truyền, có hai loại chuồn chuồn được dùng để làm thuốc: Loại thứ nhất, còn gọi là Thanh đình, Thanh linh…, tên khoa học là Anax parthenope, vị ngọt, tính hơi lạnh, có công dụng bổ thận ích tinh, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, chỉ khái định suyễn, thường được dùng để chữa liệt dương, di tinh, hầu họng sưng đau, hen suyễn, ho gà…
Trong Lĩnh Nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông viết :
“Thanh linh ta vẫn gọi chuồn chuồn
Vốn thực loài sâu sinh ở nước,
Không độc, hơi lạnh, mạnh chân dương.
Sáp tinh, ấm thuỷ, thông lợi được”
 Xích thanh linh (Crocothemis Servillia)
Một số cách dùng Thanh linh chữa bệnh cụ thể như sau:
Liệt dương, di tinh: chuồn chuồn 4 con, sấy khô, tán bột, chia uống 2 lần sáng chiều với nước ấm.
Ho gà: chuồn chuồn 2 - 3 con, sấy khô tán bột uống.
Hen suyễn do thận hư: chuồn chuồn 10 con, tắc kè 1 đôi, đường phèn 10g, tất cả sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g.
Hầu họng sưng đau: chuồn chuồn 4 con sấy khô tán bột uống với nước sắc 30g ô mai hoặc nước sắc 30g huyền sâm và 10g cát cánh.
Loại thứ hai, chuồn chuồn đỏ, còn gọi là Xích thanh linh, tên khoa học là Crocothemis servillia (Drury), vị ngọt, tính hơi lạnh, có công dụng bổ thận ích tinh, trấn thống bổ huyết, nhuận phế chỉ khái, được dùng để chữa đau đầu do thiếu máu, chóng mặt, ho gà, liệt dương, di tinh, hầu họng sưng đau…
 Thanh linh (Anax parthenope)
Ví dụ như:
Đau đầu, chóng mặt do thiếu máu: chuồn chuồn đỏ 3 con, sấy khô trên viên ngói nóng, tán bột, chia uống 3 lần trong ngày.
Ho gà: chuồn chuồn đỏ 5 con, xuyên bối mẫu 5g, hai thứ sấy khô tán bột, chia uống 2 lần trong nagỳ với một chút mật ong.
Liệt dương: chuồn chuồn đỏ 5 con, tiên linh tỳ 30g, toả dương 20g, ba kích 20g, nhục thung dung 15g, sơn thù 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
-Di niệu (đái dầm và đái són): chuồn chuồn đỏ 3 con, tang phiêu tiêu 10g, kim anh tử 15g, phúc bồn tử 10g, thỏ ty tử 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.       
  Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn

Cây bầu đất chữa tiêu viêm


Bầu đất còn có tên là rau lúi, rau lùi, đái dầm, kim thất, đái dầm, thiên hắc địa hồng, người Tày gọi là khảm khon... Là loại cỏ, thân nhẵn, có nhiều cành, lá mọc so le, nhọn ở đầu, mép khía răng cưa không đều, lá dày, nhẵn, mọng nước, cuống ngắn. Mặt trên phiến lá màu xanh thẫm đen, mặt dưới màu đỏ tím, do đó có tên “thiên hắc địa hồng” (“thiên hắc” là mặt trên mầu xanh đen, “địa hồng” nghĩa là mặt dưới màu đỏ). Cụm hoa hình đầu, màu vàng cam, mọc thành đầu cành và kẽ lá. Quả bế, hình trụ, mang một mào lông trắng ở đỉnh. Cây ra hoa kết quả vào mùa xuân-hè.
Bầu đất mọc hoang và được trồng tại nhiều nơi để làm rau ăn người ta hái ngọn non trần qua nước sôi, xào hoặc nấu canh cua, cũng có thể trộn dầu giấm,… Khi sử dụng làm thuốc thường hái toàn cây, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Bầu đất có vị cay ngọt thơm, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tán ứ tiêu thũng, tiêu viêm, chỉ khái (cầm ho). Có thể sử dụng chữa viêm họng, viêm khí quản mạn tính, phong tê thấp khớp xương đau nhức, chấn thương sưng đau, ...
Một số bài thuốc thường dùng:
-  Hỗ trợ điều trị viêm phế quản:Rau bầu đất 80g, thịt lợn nạc 50g nấu thành canh ngày ăn cùng với cơm. Có thể dùng nhiều ngày.
- Chữa đái rắt, đái buốt (do viêm đường tiết niệu):Dùng bầu đất 80g, rửa sạch, cho 700ml nước sắc nỏ lửa còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 - 15  ngày. Hoặc có thể dùng bài thuốc sau: Bầu đất 30g, mã đề 20g, râu ngô 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần uống trong ngày, 10 ngày một liệu trình.
- Chữa bầm tím (tổn thương phần mềm) do va đập:
Dùng bầu đất tươi 30g, rửa sạch để ráo nước, thêm vài hạt hồ tiêu, giã nát đắp vào vết thương. Ngày 1 lần mỗi lần  khoảng 3 giờ đồng hồ, đắp liền 3 ngày. 
- Chữa phụ nữ viêm bàng quang: Bầu đất 15g thổ tam thất, ý dĩ nhân mỗi thứ 10g. Cho vào ấm đổ 800ml nước, đun nhỏ lửa còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng 10 - 15 ngày một liệu trình. 
-Trẻ em đái dầm: Bầu đất 20g, nấu canh ăn hàng ngày. Nên ăn vào buổi trưa. Các buổi tối nên hạn chế ăn canh, uống nhiều nước.
Chữa viêm đường tiết niệu (đái buốt, đái dắt): Bầu đất 30g, mã đề 20g, râu ngô 20g. Sắc uống ngày một thang.
Khí hư, bạch đới: Bầu đất 20g, rễ củ gai sao vàng 16g, cỏ xước 16g, kim ngân hoa 12g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang.
  Lương y Hữu Nam

Cỏ roi ngựa


Cỏ roi ngựa là loại cỏ nhỏ, sống lâu năm, mọc thẳng, cao từ 10cm - 1m, thân có 4 cạnh. Lá mọc đối, có rãnh, xẻ thuỳ lông chim. Hoa mọc thành chùm ở đầu ngọn, màu xanh. Quả nang, có 4 nhân. Vì thân cây mọc thẳng, có đốt như roi ngựa, nên có tên gọi là cỏ roi ngựa.
Cây mọc hoang ở khắp nơi. Toàn cây được dùng làm thuốc. Dùng tươi hoặc sấy khô.
Theo Y học cổ truyền, cỏ roi ngựa có vị đắng, hơi hàn, vào 2 kinh can và tỳ, có tác dụng giải độc, hoạt huyết, tán ứ, sát trùng, thông kinh... Dùng chữa cảm sốt, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt, lở ngứa,...
Một số đơn thuốc thường dùng
Chữa cảm sốt: Cỏ roi ngựa 50g, khương hoạt 25g, thanh cao 25g. Cho các vị thuốc vào nồi đổ ngập nước, sắc lấy 2 bát con, chia thành 2 lần uống trong ngày (cũng có thể đem các vị thuốc tán nhỏ, hãm nước sôi như pha trà uống trong ngày); nếu kèm theo đau họng, thêm cát cánh 15g cùng sắc uống.
Sốt rét: Dùng cỏ roi ngựa khô 30 - 60g, sắc nước uống. Trước và sau lúc lên cơn sốt 1 - 2 giờ uống 1 lần.
Chữa kinh nguyệt không đều: Cỏ roi ngựa 40g, ích mẫu 20g, cỏ tháp bút 10g, ngải cứu 25g. Tất cả sắc với nước uống, ngày 2 lần. Uống trước kỳ kinh 10 ngày.
Chữa đau bụng kinh: Cỏ roi ngựa 30g, huyền sâm 15g, sinh địa hoàng 15g, xích thược 15g, bạch thược 15g, địa cốt bì 15g, nữ trinh tử 15g, cỏ nhọ nồi 12g, xuyên luyện tử 15g, uất kim 5g, mẫu đơn bì 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang. Uống liên tục 6 ngày trước khi thấy kinh, một liệu trình là 2 tháng. Trường hợp đau nhẹ, dùng: Cỏ roi ngựa 30g, ích mẫu thảo 30g. Sắc uống 3 thang trước khi thấy kinh, hiệu quả rất tốt.
Bế kinh: Cỏ roi ngựa 40g, rễ cây gai 30g, sắc với nước uống ngày 2 lần. Uống trước kỳ kinh 10 ngày.
Mụn nhọt: Cỏ roi ngựa tươi, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt uống, còn bã đắp lên chỗ mụn nhọt, dùng đến khi khỏi.
Da lở ngứa: lấy 50-100g cỏ roi ngựa tươi, rửa sạch, nấu nước tắm rửa ngày 1 lần. Dùng đến khi khỏi.  

Ốc sên chữa bệnh


 Ốc sên (Achatina fulica), còn gọi là oa ngưu, là loài động vật thân mềm sống ở nhiều nơi trên đất nước ta. Ốc sên ăn thực vật, thường phá hoại cây cối, có thể nuôi làm thức ăn và làm thuốc. Về mặt thực phẩm, ốc sên là một loại thức ăn giàu đạm. Sau khi chế biến, thịt ốc sên ăn cũng giòn, ngon không kém ốc nhồi dưới các dạng xào, nấu, rán... Từ ốc sên người ta có thể chế đạm thủy phân bằng acid chlohydric hoặc xút, sẽ được một loại dịch có mùi vị thơm ngon như magi dùng làm nước chấm.
Người ta ước tính rằng, cứ 100g thịt ốc sên có chứa 11g đạm (cao hơn ốc vặn, ốc bươu và các loại nhuyễn thể khác như sò, trai, hến...), 6,2g đường, 150mg Ca, 71mg P, các acid amin chủ yếu là leucin, alanin, valin, acid glutamic, acid aspartic...
Về mặt y học, từ xa xưa ốc sên đã được đông y sử dụng làm thuốc với tính vị mặn hàn, có công dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu thũng và chống co thắt.
Theo sách Namdược thần hiệu, để chữa mụn lở ở da mặt có thể dùng ốc sên giã nát, chế thêm một chút nước, phết lên giấy, để chừa một lỗ nhỏ ở giữa, đắp lên tổn thương. Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam ghi: “...từ năm 1991, nhân dân một số vùng ở Hải Phòng và Kiến An, Thái Bình, Hải Hưng bắt ốc sên về nấu ăn chữa hen suyễn, “còn dùng để chữa đau bụng kinh niên và thấp khớp”. Theo Trung dược đại từ điển, ốc sên có công dụng thanh nhiệt, tiêu thũng và giải độc, được dùng để chữa các chứng bệnh như phong nhiệt kinh giản (co giật do sốt cao), tiêu khát (tiểu đường), hầu tý (viêm amidal, viêm họng), quai bị, loa lịch (lao hạch), ung thũng (nhọt độc), trĩ sang (trĩ viêm loét), thoát giang (sa trực tràng), vết thương do côn trùng cắn đốt...
Các y thư cổ như Bản thảo cương mụcBiệt lục, Bản thảo tân biên, Dược tính luận, Bản thảo kinh sơ, Bản thảo đồ kinh, Thánh huệ phương, Thánh tễ tổng lục, Hải Thượng y tông tâm lĩnh... cũng đã ghi lại kinh nghiệm sử dụng ốc sên làm thuốc để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau, trong đó có chứng thấp khớp do phong nhiệt và thấp nhiệt, chứng bệnh tương ứng với một số bệnh lý của y học hiện đại. Cách dùng cụ thể như sau:
Ốc sên bắt về đập bỏ vỏ, lấy phần lưỡi ốc, còn bỏ hết ruột, mổ đầu ốc, bỏ dạ dày, thực quản rồi dùng muối và phèn chua rửa sạch hết nhớt, nấu ăn như nấu ốc thường. Ăn liền trong 7 - 10 ngày. Có thể kéo dài hàng tháng.
- Ốc sên 2 con làm thịt, nướng vàng, thái nhỏ rồi nấu lấy nước đặc. Tiếp đó, dùng măng tre 50g rửa sạch, giã nát và ép lấy nước, đem hai thứ nước trộn lại với nhau, chia uống 2 lần trong ngày.
Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học hiện đại nào chứng minh tác dụng chữa bệnh xương khớp cũng như làm tăng chất nhờn ở khớp của ốc sên. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chữa bệnh của người xưa và với giá trị dinh dưỡng phong phú của ốc sên, có thể thấy loài nhuyễn thể này rất có ích cho những người mắc các chứng bệnh về xương khớp. Cũng cần nói thêm rằng, ở Pháp, người ta đã nuôi ốc sên trên quy mô công nghiệp được nhà nước giúp đỡ và chế biến thịt ốc sên thành một món ăn - vị thuốc được nhiều người ưa thích. Hàng năm, riêng nước này đã tiêu thụ từ 5 đến 6 vạn tấn ốc thịt, trong đó có khoảng 2 vạn tấn nhập của hơn 30 nước và 2 - 4 ngàn tấn thịt ốc được đóng hộp để xuât khẩu.  
  Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn

Con dơi - cải thiện chứng suy giảm tình dục



Già Làng Đinh Văn Bớt (65 tuổi) ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam) là chuyên gia săn bắt dơi cho biết:
“Ở Trường Sơn có hàng chục loại dơi to (ađhôôr) hay dơi nhỏ (briêng) khác nhau. Tuỳ theo tập quán vùng cao hoặc thấp mà đồng bào chế biến dơi thành những món ăn hấp dẫn khác nhau. Đây là món được coi là quý hiếm, vì thịt dơi trẻ con ăn chóng lớn, thông minh, nhanh nhẹn, người già ăn thịt dơi khoẻ mạnh, kéo dài tuổi thọ, còn tuổi trẻ được ăn thịt dơi thì đời sống tình dục vợ chồng tăng thêm gấp bội. Thịt dơi chế biến nhiều món ăn hấp dẫn khác như cháo dơi, dơi hầm trong ống lồ ô, dơi rán, dơi nướng “mọi”…, nhưng món cháo dơi nấu với đậu xanh là thơm ngon, bỗ dưỡng hơn cả...
Theo Đông y, con dơi còn có tên phu dực, biên bức, phi thử (chuột bay). Thịt dơi có vị ngọt, khí bình, không độc, làm lợi tiểu, tiêu phù, sáng mắt, trị băng huyết, bạch đới, nhọt lở, hen suyễn, sốt rét… Thịt dơi được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị ốm yếu, nhiều đàm (hen suyễn), cổ nổi nhiều hạch. Người ta còn sử dụng phân dơi làm thuốc có vị cay, tính bình, không độc. Dùng trị mắt mờ, trứng cá trên mặt, tràng nhạc, tim hồi hộp...
Dưới đây là các bài thuốc trị bệnh từ con dơi:
- Trị các bệnh phụ khoa như thiếu máu sau sinh, bế kinh, bạch đới, tử cung lạnh không sinh đẻ, suy nhược mệt mỏi, phong tê… Dùng thịt dơi chưng với các vị hoài sơn, kỷ tử (ăn nóng).
- Làm sáng mắt: Thịt dơi xào cà rốt hoặc ớt ngọt Đà Lạt (ăn mỗi tuần 3 lần trong 2 - 3 tháng).
- Chữa chứng đau đầu, chóng mặt: Nấu thịt dơi với bí đỏ (ăn 10 ngày).
- Chữa bệnh cho trẻ em bị ốm yếu, nhiều đàm (hen suyễn), cổ nổi nhiều hạch. Dùng thịt dơi băm chưng, nấu canh, nấu cháo cho trẻ ăn.
- Cải thiện chứng suy giảm tình dục: Nấu cháo dơi với đậu xanh hoặc hạt sen (ăn mỗi tuần 3 lần).

Hồng - vị thuốc chữa nhiều bệnh




Cây hồng có tên khoa học là Diospyros Ka Ki, thuộc họ (Ebenaccra). Tuỳ theo loại hồng mà khi chín sẽ cho trái màu đỏ hoặc vàng cam trông rất đep. Hồng có nhiều loại, tên gọi rất bình dân: Hồng vuông, Hồng bánh xe, Hồng sù, Hồng tiêu...
Được ưa chuộng và trồng nhiều ở Đà Lạt là hồng vuông, Hồng bánh xe. Trái hồng lúc còn xanh có vị chát (chất tanin), đến lúc chín trái to bằng nắm tay của người lớn. Hồng là loài cây ăn trái được trồng ở cả đồng bằng và miền núi nước ta. Hồng thường được chia thành "hồng ngọt" và "hồng chát" (còn gọi là "hồng ngâm").
Hồng ngọt chín ngay trên cây và tự nhiên hết vị chát, có thể hái về ăn ngay; còn hồng chát phải khử vị chát mới ăn được. Trái hồng rất giàu chất dinh dưỡng và là những vị thuốc đã được dùng từ lâu đời trong Đông y.
Hồng thuộc loại trái cây cao cấp, có tính hàn, vị ngọt chát, có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều loại vitamin và chất khoáng. Trong trái hồng chín có từ 1-1,6% protein. Lượng đường cao hơn 13-19% dưới dạng Glucoza Svecara và fretoza. Ngoài ra hồng còn dùng để chữa bệnh: Nước ép từ trái hồng già (khi ngả vàng) dùng để chữa bệnh cao huyết áp, nước trái hồng chín chữa bệnh đau cổ họng, họ suyễn... Người ta thường dùng hồng dưới dạng tươi (nhất là hồng vuông) khi trái bắt đầu ngả sang màu vàng sậm, hái xuống và đem giấm chín.  
Theo đông y, hồng dùng để trị các bệnh sau đây: 
Tăng huyết áp, chứng ưa chảy máu (hemophilia - huyết hữu bệnh), chữa tiểu tiện ra máu, trĩ nội, đại tiện xuất huyết…Ngoài ra, người ta chữa nấc bằng cuốn quả hồng, chữa lưỡi, môi lở loét bằng thị sương (phấn quả hồng), da dị ứng bằng trái hồng xanh.
Tuy có nhiều công năng vậy, nhưng người tỳ vị hư hàn, có đàm thấp bên trong, ỉa chảy, đang bị cảm lạnh không được ăn hồng. Sau bữa ăn có món tôm và cua không nên ăn hồng; ăn ngay một lúc quá nhiều trái hồng có thể dẫn tới đau trướng bụng, buồn nôn, ỉa chảy... Khi đói bụng không nên ăn nhiều trái hồng, nhất là ăn cả vỏ hoặc hồng chưa thật chín. Trước khi ăn hồng nên gọt vỏ, rửa nhiều lần với nước sạch thật kỹ, sau đó ngâm với nước muối để loại bớt chất độc hại (chất bảo quản) nếu đã ngấm vào thịt.

hòng bong ( Hải Kim Sa) và những bài thuốc quý


Thòng bong - còn có tên là “bòng bong”, “dương vong”, “thạch vĩ dây” ... Đông y gọi là "hải kim sa" vì cây này có rất nhiều bào tử (nhiều như biển – hải) lóng lánh như những hạt cát vàng (kim sa). Cây này mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở bụi rậm, bờ rào ... Khi dùng làm thuốc, cắt toàn cây dùng tươi hay phơi khô, không phải chế biến khác.
Trong nhân dân dùng toàn cây thòng bong sắc uống làm thuốc thông tiểu tiện, chữa chứng tiểu tiện khó khăn, đái dắt, đái buốt, đái ra cát sạn; đại tiện táo bón; chữa chấn thương ứ máu (uống trong, bó ngoài); giã nát đắp các vết thương phần mềm, vết loét, chín mé, ecpet loang vòng (mụn rộp loang vòng); có người còn dùng làm thuốc lợi sữa. Tại Trung Quốc người ta dùng toàn cây chữa lỵ, đái ra cát sạn, ngoại thương xuất huyết, viêm bàng quang, viêm thận mạn tính.

Ứng dụng cụ thể:

Chữa ăn uống khó tiểu, bụng trướng đầy do thấp trệ (tỳ thấp trướng mãn): Hải kim sa 30g, Bạch truật 8g, Cam thảo 2g; sắc nước uống mỗi ngày một thang (Tuyền Châu bản thảo).

Toàn thân phù thũng, bụng trướng như cái trống, nằm không thở được: Hải kim sa 15g, hạt Bìm bìm (khiên ngưu tử) 30g - một nửa để sống một nửa sao chín, Cam toại 15g; tất cả nghiền thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 8g bột thuốc sắc với một bát nước, uống vào trước bữa ăn hàng ngày (Y học phát minh).

Chữa viêm gan: Hải kim sa 15g, Nhân trần 30g, Xa tiền thảo 20g; sắc nước uống mỗi ngày một thang (Giang Tây thảo dược).

Đi lị ra máu: Dây và lá thòng bong 60-90g, sắc kỹ với nước, chia thành 2-3 lần uống trong ngày (Phúc Kiến dân gian thảo dược).

Chữa ỉa chảy (phúc tả): Thòng bong cả cây, sắc nước uống (Mân Nam dân gian thảo dược).

Chữa di tinh, mộng tinh (mộng di): Dây thòng bong đốt tồn tính, nghiền mịn; mỗi lần dùng 4-6g hoà với nước sôi uống (Phúc Kiến dân gian thảo dược).

Chữa đái ra dưỡng chấp (cao lâm): Dùng Hải kim sa 40g, Hoạt thạch 40g, Cam thảo 10g; tất cả đem tán nhỏ, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g; dùng nước sắc với khoảng 20g Mạch môn (củ tóc tiên) hoặc 10g Cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) để chiêu thuốc (Thế y đắc hiệu phương).

Chữa tiểu tiện lẫn sỏi sạn (thạch lâm): Dùng Hải kim sa 30g, Hoạt thạch 30g, Bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, Kim tiền thảo 60g, Xa tiền thảo (cỏ mã đề) 12g; sắc kỹ với nước, chia 3 phần uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Chữa tiểu tiện xuất huyết :

- Hải kim sa tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, hoà với nước đường cùng uống (Phổ tế phương).

- Hải kim sa (chỉ dùng dây), Biển súc (dân ta còn gọi là cây càng tôm, cây xương cá; tên khoa học: Polygonum aviculare L. , họ Rau răm) - mỗi thứ 15- 20g, sắc nước uống (Tứ Xuyên Trung thảo dược).

Trà lợi tiểu – Dùng trong các trường hợp tiểu tiện khó khăn: Hải kim sa 60- 90g, sắc với nước, thêm chút đường vào uống thay trà trong ngày (Phúc Kiến dân gian trung thảo dược)

Chữa viêm tuyến vú: Hải kim sa 25- 30g, sắc kỹ với nửa phần nước nửa phần rượu, chia 3 phần uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Phụ nữ ra nhiều bạch đới (đới hạ): Dùng dây thòng bong 1 lạng, cắt thành những đoạn nhỏ, nấu kỹ với thịt lợn nạc thành món hầm; bỏ bã thuốc, ăn thịt và uống nước canh (Giang Tây dân gian thảo dược nghiệm phương)

Chữa bỏng lửa: Hải kim sa thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ bị bỏng (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Chữa mụn rộp loang vòng: Dây và lá thòng bong tươi đem giã nát, đắp vào nơi bị bệnh ngày 2 lần (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).

Ong vàng đốt bị thương: Dùng lá thòng bong tươi giã nát, đắp vào chỗ bị thương (Quảng Tây Trung thảo dược).

Chữa vết thương phần mền: Dùng lá trầu không tươi 40g, phèn phi 20g, nước 2 lít. Nấu lá trầu với 2 lít nước, để nguội, gạn lấy nước trong, cho phèn phi vào, đánh cho tan, đem lọc để rửa vết thương. Sau khi rửa vết thương, băng bằng thuốc say đây: Lá mỏ qụa tươi bỏ cọng, giã nhỏ đắp lên vết thương; nếu vết thường xuyên thủng thì đắp cả 2 bên: ngày rửa và thay băng 1 lần; sau 3-5 ngày thấy đỡ thì 2 ngày thay băng 1 lần. Nếu vết thương tiến triển tốt nhưng lâu đầy thịt, thì thay thuốc đắp: gồm lá mỏ qụa tươi và lá bòng bong - hai thứ bằng nhau; giã nát đắp vào vết thương, ngày rửa thay băng 1 lần, 3-4 ngày sau lại thay đơn thuốc lần nữa: lá mỏ quạ tươi, lá thòng bong tươi, lá cây hàn the - 3 vị bằng nhau, giã nát, đắp lên vết thương nhưng chỉ 2-3 ngày mới thay băng 1 lần

Rau đắng

Rau đắng có tên gọi là biển súc, cây càng tôm, cây xương cá.  Tên khoa học: Polygonum aviculare – L
Cây nhỏ mọc bò, thân và cành mọc toả tròn gần sát mặt đất màu đổ tím đôi khi mọc cao từ 10 – 30cm, giống như rau muống biển.
Lá nhỏ hẹp,mọc so le có bẹ chia. Phiến lá dài 1,5 – 2cm rộng 4 cm. Hoa nhỏ màu hồng tím mọc tụ từ 1 – 5, thường từ 3 – 4 hoa mọc kề cạnh lá. Quả có 3 cạnh chứa một hạt đậu đen. Mùa hoa từ tháng 5 – 6 và cả mùa hè.
Rau đắng mọc hoang ở những vùng đất có độ ẩm ướt vừa, hoặc đất pha cát ướt như ven dọc bờ biển miền Trung, nhất là các tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.
Cũng có nơi gieo hạt trồng làm thuốc và rau ăn, trong bữa ăn hàng ngày nhân dân miền đất Quảng Nam - Đà Nẵng nhất là phố cổ Hội An thường có rau đắng coi như món ăn đặc sản trong đỉa rau sống có nhiều gia vị khác ở vùng rau sạch ở miền làng rau Trà Quế – Hội An, hoặc rau đắng luộc trộn với muối mè ăn rất ngon, người ta còn dùng rau đắng trong ăn lẩu.
Trong rau đắng có 0,35% chất tanin, 900mg Vitamin C ở rau đaắng khô, 39% carôten; Flavonozit avicularin; khi (thuỷ phân avicularin sẽ cho quercetin và L. arabinozo) Anthraglycozit. Ngoài ra còn có đường tinh dầu, nhựa, sáp. Độ tro 2,44%.

Rau đắng (biển súc) có vị đắng tính bình, không độc vào 2 kinh vị và bàng quang do đó có tác dụng rất tốt cho lợi tiểu, sát trùng, dùng trong những trường hợp thấp nhiệt, sỏi thận, mụn nhọt, giải độc, vàng da tắt mật. Rau đắng giã nhỏ cho ít muối đắp lên vùng da có sưng đau, nóng đỏ rất tốt.
Những người có cơ địa béo bệu, có bệnh lý vữa xơ động mạch (tăng cholesterol, Triglycerid máu), huyết áp cao, có đái khó, đái buốt, tăng cường hô hấp việc phải ăn rau đắng thường xuyên là rất tốt.

Chế phẩm rau đắng mang tên Avicularen, dịch chiết suất từ rau đắng với cồn 70o và bả của rau đắng sau khi chiết, là thuốc rất quý dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ đạt kết quả tốt đến 60%.
Đơn thuốc rau đắng:

- Rau đắng 15 – 20g khô hoặc sấy khô sắc uống thường xuyên chữa đái khó, đái buốt, đái rắt, đái ra sỏi.

- Rau đắng và các vị khác:

Rau đắng khô 12g, hoạt thạch 10g, mộc thông 5g, mã đề 8g, cho nước 3 bát, sắc còn 1 bát chia 3 lần uống trong ngày chữa viêm bàng quang, viêm tiết niệu, giải nhiệt, giải độc nhất là ở những người có viêm gan vàng da, vàng mắt (Bilrubin trong máu cao) uống rất tốt.

Rau đắng một vị thuốc quý, càng quý hơn khi rau đắng luộc trộn với muối mè trong bữa ăn thường ngày, lại chữa và hạn chế sự phát triển được nhiều bệnh về vữa xơ động mạch, hô hấp, tiêu hoá gan mật, thận tiết niệu, rất rẻ tiền, đơn giản dễ tìm ở đâu cũng có, lại không có độc tính.


Cây chỉ thiên thuốc quý chống viêm, tiêu đờm


Bacsigiadinh.com - Theo y hoc cổ truyền, cây chỉ thiên có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi tiểu,...Thường dùng chữa cảm sốt, ho, họng sưng đau, đau mắt đỏ, tiêu chảy, vàng da, mụn nhọt...
 Cây chỉ thiên còn có tên gọi khác là thổi lửa, cỏ lưỡi mèo, cỏ lưỡi chó, co tát nai (dân tộc Thái), nhả đản (dân tộc Tày). Là cây cỏ mọc hoang, sống dai, thân cao chừng 20 - 50cm, nhiều cành, cả cây có lông. Lá gốc mọc thành hình hoa thị, sát đất.
Phiến lá dài chừng 6 - 12cm, rộng 3 - 5cm, hình thìa, có lông trắng ở cả hai mặt, mép có răng cưa lượn sóng, phía dưới hẹp lại thành cuống rộng ôm vào thân.
Lá ở thân nhỏ và hẹp hơn lá ở gốc. Hoa màu tím, mọc thành xim, có đầu giả. Quả hình thoi, có 10 cạnh lồi.
Mùa hoa quả: tháng 1 - 8. Có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
 Cây chỉ thiên.     
Theo y học cổ truyền, cây chỉ thiên có vị đắng, tính mát; vào 3 kinh phế, tỳ và can. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, khoan trung hạ khí, lợi tiểu, tiêu thũng. Thường dùng chữa cảm sốt, ho, họng sưng đau, đau mắt đỏ, tiêu chảy, vàng da, mụn nhọt…
Cách dùng: Sắc lấy nước hoặc giã vắt lấy nước cốt uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước xông rửa.
Một số đơn thuốc thường dùng:
Chữa mụn nhọt: Lá chỉ thiên tươi rửa sạch, thêm ít muối, giã nát ít muối đắp vào chỗ đau.
Chữa họng sưng đau do viêm họng, viêm amiđan: Chỉ thiên 10g khô, hãm với 300ml nước sôi trong khoảng 30 phút, chia uống nhiều lần trong ngày. Hoặc lá chỉ thiên tươi rửa sạch nhai ngậm với một ít muối, có tác dụng giảm đau họng rất tốt.
 
 Bồ công anh Trung Quốc.    
                     
Chữa viêm loét miệng lưỡi:
Chỉ thiên 30g khô sắc uống mỗi ngày một thang. Uống 3-5 ngày.
Chú ý: Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng. Không dùng đối với bệnh thuộc chứng hàn.
Ngoài ra cần lưu ý phân biệt cây chỉ thiên với cây bồ công anh Trung Quốc vì có đặc điểm gần giống nhau để tránh nhầm lẫn: Lá bồ công anh Trung Quốc cũng mọc sát đất, hình hoa thị nhưng có hoa màu vàng, quả xếp hình cầu, có lông màu trắng; còn hoa cây chỉ thiên có màu tím nhạt. 

Mã đề, cây thuốc quý


Hạt mã đề – tên thuốc gọi là xa tiền tử, là hạt của cây mã đề, thuộc loài cỏ sống lâu năm, có ở khắp nơi trên đất nước ta từ đồng bằng đến trung du, miền núi. Xa tiền tử thu hoạch vào khoảng tháng 7 - 8 khi quả chín già, đem nhổ cây về phơi khô và thu lấy hạt. Về thành phần hóa học, hạt mã đề chứa nhiều chất nhày, các acid succumic, adenine và cholin.

Theo Đông y, xa tiền tử vị ngọt, tính hàn, không có độc quy kinh can, thận, bàng quang, phế. Có tác dụng lợi niệu thanh nhiệt, chữa các chứng tả, lỵ. Thuốc có công năng làm mạnh phần âm, ích tinh khí, mát gan, sáng mắt. Xa tiền tử là vị thuốc khá thông dụng được sử dụng phổ biến trong nhân dân ta. Chủ trị các chứng thấp nhiệt gây đái buốt, đái rắt, thủy thũng, phù nề, vàng da. Chữa ho, thông đờm trong viêm phế quản, các bệnh tả lỵ, bệnh đau mắt đỏ, nhức mắt, nước mắt chảy nhiều.

Xin giới thiệu một số bài thuốc lợi niệu tiêu phù có hạt mã đề.
Bài 1: Chữa chứng thấp nhiệt tiểu tiện khó, đái buốt, đái rắt, nước tiểu ít, màu đỏ hoặc đục, dùng xa tiền tử độc vị tán bột ngày uống 8 - 10g chia 2 lần. Trường hợp nặng hơn phải thanh nhiệt lợi thấp dùng hoàng bá 12g, hoàng liên 8g, bồ công anh 12g, tỳ giải 12g, mộc thông 10g, xa tiền tử 12g. Sắc uống ngày một thang.


Bài 2: Trường hợp thấp nhiệt nặng thậm chí không đái được, bụng đầy trướng, miệng khô, họng ráo, rêu lưỡi vàng cáu, mạch hoạt sác, dùng bài Bát chính tán gồm xa tiền tử, cù mạch, hoạt thạch, chi tử, mộc thông, biển súc, cam thảo, đại hoàng lượng bằng nhau, tán thành bột kép, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 – 15g chiêu với nước đăng tâm thảo. Sắc uống ngày một thang.


Bài 3: Nếu thấp nhiệt thịnh, ứ nghẽn nhiều phải thanh nhiệt, giải độc, hóa ứ, trừ thấp dùng đại hoàng 6g, bạch truật 6g, mẫu lệ 10g, xa tiền tử 16g, hồng hoa 6g, khiếm thực 10g, ngư tinh thảo 10g. Sắc uống ngày một thang.


Bài 4: Trường hợp tiểu tiện khó khăn, mặt phù, chân thũng, bụng trướng, kém ăn tiểu tiện vàng, rêu lưỡi nhớt, là khí hóa mất chức năng, dương uất, thủy ứ phải hóa khí kiện tỳ, lợi thấp dùng xa tiền tử 12g, phục linh 12g, trư linh 12g, trạch tả 12g, bạch truật 12g, bạch mao căn 12g, trần bì 12g, trần bì 12g, quế chi 6g, tỳ giải 15g.


Bài 5: Nếu tiểu tiện khó khăn do tiền liệt tuyến phì đại, cuối bãi nhỏ giọt không hết, thiên về ứ kết phải hành khí, phá ứ, điều dương, thông lợi dùng xa tiền tử 24g, tạo giác thích 15g, dâm dương hoắc 15g, xuyên sơn giáp 15g, chỉ thực 15g, tiên mao 15g, hồng hoa 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần.


Bài 6: Chữa chứng phù thũng, tiểu tiện không lợi dùng hạt mã đề 15g, phục linh bì 9g, trạch tả 9g. Sắc uống ngày một thang.


Bài 7: Trường hợp phù thũng toàn thân tiểu tiện không lợi do phong hàn nhiệt thấp độc bị ứ dẫn đến công năng của 3 tạng tỳ, phế, thận mất điều hòa lại kiêm khái thấu, thở gấp phải tán hàn, tuyên phế, lợi thủy, tiêu thũng dùng xa tiền tử 12g, ma hoàng 6g, tô diệp 9g, trần bì 9g, trư linh 9g, bán hạ 6g, hạnh nhân 9g, phục linh 9g, phòng phong 9g, đan bì 9g.


Bài 8: Nếu phù thũng tiểu tiện ít, vàng, sẻn, khó khăn dùng xa tiền tử 12g, mộc thông 5g, phục linh 12g, mẫu đơn bì 12g, đại phúc bì 9g, trần bì 9g, phòng phong 9g, ma hoàng 6g, tô diệp 9g, phòng kỷ 9g, trích tang bạch bì 9g. Sắc uống ngày một thang.


Bài 9: Trường hợp phù thũng lúc phát lúc không, xu hướng không nặng, lưng gối yếu ớt, miệng khô, họng ráo, sốt nhẹ, mỏi mệt kèm theo tâm phiền, tai ù, chóng mặt, lưỡi đỏ, mồ hôi trộm phải tư can dưỡng thận, đạm thấm lợi thủy dùng xa tiền tử 25g, trạch tả 20g, bạch phục linh 25g, địa phu tử 25g, mẫu đơn bì 20g, sơn thù du 15g, tang thầm 25g, câu kỷ tử 20g, nữ trinh tử 20g, hoài sơn 20g, can địa hoàng 25g. Sắc uống ngày một thang.

Vị thuốc từ quả me


Me là loại quả dân dã. Quả me có màu nâu, bên trong chứa cùi thịt và nhiều hạt có vỏ cứng. Bên ngoài là lớp vỏ cứng dễ vỡ, trong chứa một chất cơm màu đỏ nâu, vị chua ngọt.
Theo các nhà dinh dưỡng, trong quả me có nhiều vitamin C, B, khoảng 14% acid tartaric và một số nhỏ malic acid… nên có tác dụng nhuận tràng, giúp kích thích vị giác, cải thiện tình trạng kém ăn, mệt mỏi do nắng nóng hay buồn nôn, chán ăn khi mang thai. Trái me góp phần bù nước, điện giải, cung cấp vitamin, khoáng chất, giải nhiệt... Trong Đông y, quả me có vị chua, tính mát, thanh nhiệt, giải khát, tăng cường tiêu hóa. Chữa các bệnh: phụ nữ mang thai nôn nghén, chán ăn; chữa ho, làm ấm bụng, kích thích tiêu hóa; trị chứng hay chảy máu chân răng; chữa sốt do nắng nóng... Sau đây là một số công dụng của quả me.
- Chữa ho, làm ấm bụng, kích thích tiêu hóa: Quả me xanh đem cạo vỏ ngoài, rửa sạch, để ráo nước, giã nát với gừng tươi cho thật nhuyễn, loại bỏ xơ. Thêm đường vừa đủ. Đun nhỏ lửa và đảo đều, sau đó trộn với bột cam thảo vừa đủ khô, rồi đóng khuôn làm thành dạng ô mai, mỗi ngày ngậm 3 – 6 lần.
- Phụ nữ mang thai nôn nghén, chán ăn: Cạo vỏ 30g quả me xanh, rửa sạch cho vào nồi nấu với 300 ml nước, khi còn 200 ml thì bắc nồi xuống, chỉ lấy phần nước, thêm đường vừa đủ và chia ra uống 3 lần trong ngày, uống 3 ngày.
- Trị chứng hay chảy máu chân răng: 3 - 5g thịt từ quả me chín pha với một chén nước ấm uống trong ngày, uống vào buổi sáng sau bữa ăn. Dùng liên tục trong 7 ngày. Hoặc 20g quả xanh, nạo bỏ vỏ, đun với hai bát nước còn một bát, chia uống hai lần trong ngày, khi uống có thể cho thêm ít đường hoặc mật ong. Uống từ 5 - 7 ngày.
- Giúp giảm đau nhức xương khớp: 100g quả me xanh, đem đun với nước, khi chín vớt ra dầm nát lấy phần thịt (bỏ vỏ và hạt), để nguội trộn với muối đã giã nhỏ thoa đều lên chỗ xương khớp đau nhức, nên thoa vào trước các giấc ngủ trưa và tối. Thoa trong 7 ngày.
- Chữa sốt do nắng nóng: 15g quả me xanh đã nạo vỏ, đem đun khoảng 1 bát nước, khi sôi dầm nát quả me, sau đó bỏ vỏ và hạt, chắt lấy nước, khi uống pha thêm đường hoặc mật ong. Bài thuốc này, giúp cơ thể hạ nhiệt nhanh chóng, kích thích thèm ăn.
- Giải nhiệt ngày hè: Nghiền 20g thịt quả me chín với 200ml nước, lượt bỏ hột và xơ, khi uống pha cho thêm ít đường, khuấy đều, có thể cho thêm đá lạnh, uống hàng ngày.

Trinh nữ - thuốc an thần



Trinh nữ còn gọi là cây xấu hổ, cây mắc cỡ, cây thẹn, hàm tu thảo, ojigi-so (Nhật Bản), Lajwanti (Ấn Độ), Lajjabati (Bangladesh), Sensitive (Anh & Pháp)… tên khoa học Mimosa pudica L. họ Trinh nữ (mimosaceae). 
Dược lý hiện đại cho biết cây trinh nữ có tác dụng ức chế thần kinh Trung ương, chữa trị các chứng mất ngủ; song cũng có thể làm chậm thời gian xuất hiện co giật, giảm đau và giải độc acide, kìm hãm sự sinh trưởng của vi khuẩn, có tính diệt nấm, diệt giun... Người ta còn sử dụng toàn cây trinh nữ thái nhỏ, phơi khô, sao vàng sắc lấy nước uống thay trà hằng ngày trị đau nhức mỏi, sưng phù. 
Đông y cho rằng cành và lá trinh nữ có vị ngọt, se hơi đắng, tính lạnh, hơi độc; có công năng thanh nhiệt can hỏa, an thần, tiêu tích, giải độc. Rễ có vị chát hơi đắng, tính ấm, có độc, công hiệu chỉ khái hóa đàm, thông kinh hoạt lạc, hòa vị, tiêu tích. Được sử dụng riêng hoặc phối hợp với các vị khác trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, viêm phế quản, suy nhược thần kinh ở trẻ em, viêm kết mạc cấp, viêm gan, viêm tiểu tràng, sỏi niệu, phong tê bại, huyết áp cao… Dùng ngoài trị chấn thương, viêm da mủ, lấy lá tươi giã đắp. Tuy nhiên không dùng cho người có thai.
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị liệu các bệnh chứng từ cây trinh nữ.
* Chữa suy nhược thần kinh (nhức đầu, ù tai, khó ngủ): Lá cây trinh nữ 20g, dây lạc tiên 20g, củ tóc tiên (còn gọi là mạch môn, củ cỏ lan, cây lan tiên, tên khoa học ophiopogon japonicus) 20g, hạt thảo quyết minh (muồng muồng) 20g, hoài sơn 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.
Hay trị suy nhược thần kinh mất ngủ: Trinh nữ 15g (dùng riêng) hoặc phối hợp với cúc bạc đầu 15g, chua me đất 30g, sắc uống vào tối hằng ngày.
* Chữa mất ngủ, đau đầu hoa mắt, viêm đau dạ dày mạn: Rễ cây trinh nữ 10 – 15g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Cần uống liền 3 – 5 thang.
* Chữa bệnh Zona: Lấy lá cây trinh nữ giã đắp vào nơi bị bệnh, ngày 1 lần, cần làm 3 – 5 ngày liền.
* Chữa viêm phế quản mạn: Rễ cây trinh nữ 100g, sắc lấy nước thuốc uống, chia 2 lần trong ngày. Cần uống 10 ngày liền là 1 liệu trình. Uống 2 – 3 liệu trình sẽ đạt hiệu quả.
Hoặc rễ trinh nữ 30g, rễ lá cẩm 16g, sắc uống chia 2 lần/ngày.
* Chữa đau nhức xương khớp: Rễ cây trinh nữ xắt thành miếng mỏng phơi khô; hàng ngày lấy 120g đem rang rồi tẩm rượu cao độ (40 – 45o) và lại rang khô. Sau cho 3 bát nước sắc còn 1 bát chừng 200 – 250ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 4 – 5 ngày sẽ cho kết quả.
Hoặc dùng chữa phong thấp nhức xương: Rễ cây trinh nữ sao 20g, bưởi bung 20g, dây đau xương 20g, kê huyết đằng 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần; cũng có thể ngâm rượu uống.
* Chữa đau ngang thắt lưng (nhức mỏi gân xương): Rễ trinh nữ 20 – 30g, tẩm rượu sao, sắc uống riêng hoặc phối hợp với cúc tần 20g, bưởi bung 20g, rễ đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
* Chữa trị huyết áp cao: Hà thủ ô 8g, trắc bách diệp 6g, bông sứ cùi 6g, câu đằng 6g, tang ký sinh 8g, đỗ trọng 6g, trinh nữ 6g, lá vông nem 6g, hạt muồng muồng 6g, kiến cò 6g, địa long 4g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Có thể tán bột luyện viên uống hằng ngày.

Cà hôi trị thoát giang


Cà hôi còn gọi là cây la, La rừng, Ngoi, Chìa vôi, Toong muốc, Phô hức (Tày), Co sà lang (Thái), Sung mou (Luang prabang – Lào)… Tên khoa học là Solanum verbascifoloum L. (Solanum pubescens Roxb hay Solanum erianthum Don), thuộc họ Cà (Solanaceae).
Là loại cây mọc hoang ở những vùng rừng núi và Trung du nước ta như Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn… ngay ở Hà nội cũng có. Cây nhỏ hoặc nhỡ cao chừng 2,5m đến 5m. Thân hình trụ, khi vỏ thân non có màu xanh phủ một lớp lông che chở. Toàn cành lá phủ một lớp lông dày hình sao màu vàng nhạt hoặc vàng xám. Quả nhỏ mọng hình cầu, màu xanh, khi chín có màu vàng, đường kính 6mm, hạt nhiều có vân mạng, đường kính 2mm. Mùa hoa vào tháng vào tháng 3 – 6, quả từ tháng 7 – 10 hằng năm.
Bộ phận dùng làm thuốc là lá tươi thu hái quanh năm. Ngoài ra còn đào rễ dùng trong 4 mùa, thái mỏng phơi hay sấy khô. Thuốc có công dụng chữa lòi dom, hắc lào, trị lao hạch, trĩ…; trị sán ở trâu bò. Tại Malaysia còn dùng nước sắc rễ cà hôi chữa trị cơn đau nguy kịch của người và rối loạn sau bữa ăn. Cũng ở nước này còn dùng lá cà hôi tươi giã nát rịt vào hai bên thái dương trị đau đầu (theo Burkill & Haniff, 1930. Gard Bul S.S. 6.226). Trong thú y người ta còn dùng lá thái nhỏ cho vào lỗ mũi để trị bệnh sổ mũi ở ngựa. Nhiều nước khác còn dùng lá cà hôi để chữa trị tiểu tiện đục và ra khí hư ở phụ nữ.
Để áp dụng và tham khảo dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị liệu các bệnh chứng có dùng cây cà hôi.
* Chữa đau đầu: Lấy lá cà hôi tươi giã nát rồi rịt vào 2 bên thái dương, băng giữ để không bị rơi.
* Chữa lòi dom (thoát giáng): Lấy lá tươi ngắt bỏ cuống và gân lá. Giã nát rồi sao nóng rịt vào chỗ dom lòi ra. Hoặc có thể để nguyên lá úp vào hậu môn; cũng có thể nướng cháy lá rồi vo lại nhét vào hậu môn. Nên làm vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh sau khi dùng thuốc không đi lại.
* Chữa trĩ và hạch sưng: Lấy lá cà hôi rửa sạch, giã nát, sao nóng đắp vào chỗ trĩ sau khi đã rửa sạch hoặc vào hạch băng giữ lại. Tốt nhất nên đắp thuốc vào tối hằng ngày.
* Chữa hắc lào, ghẻ lở: Lấy lá cà hôi tươi, vò lấy nước chấm vào chỗ bị hắc lào sau khi đã rửa sạch hay nơi ghẻ lở.
* Chữa sán trâu và bò: Dùng lá cà hôi nấu nước cho trâu bò uống.

Nghệ đen - thuốc chữa các bệnh đường tiêu hóa


Nghệ đen (nga truật) là vị thuốc rất phổ biến ở các vùng nông thôn, hầu như tất cả các tiệm thuốc bắc đều có bán, giá cả dễ chịu. Các bà các chị rất ưa chuộng nó, vị thuốc có nhiều công dụng mà giá cả lại hợp lý với túi tiền nông dân.
Đây là vị thuốc chữa được nhiều bệnh về đường tiêu hóa; các bệnh chậm kinh, đặc biệt là các bệnh đau co thắt do khí trệ. Tuy nhiên nghệ đen là vị thuốc rất khó uống. Mùi vị của nó vừa đắng lại vừa ngang, nhiều người cố nuốt nhưng lại bị chặn ngang cổ buộc phải nôn trở ra.
Cây nghệ đen mọc hoang ở khắp rừng núi Việt Nam, phát triển rất tốt ở vùng ven sông suối, vùng trung du có độ ẩm cao, đất màu mỡ tơi xốp. Bộ phận dùng là rễ củ. Củ thu hái về cắt bỏ rễ con rửa sạch luộc chín, đem ngâm dấm. Cách làm như sau: Cứ 1kg nghệ đen ngâm với 160ml dấm, và 500ml nước. Tất cả cho vào nồi, đậy kín, đun cho đến khi cạn hết nước, vớt ra thái lát, phơi khô dùng dần.
Công dụng và liều dùng:
Như đã nói nghệ đen rất tốt cho bệnh lý đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét, vết loét mau ra các tổ chức hạt, ăn uống chậm tiêu, đau co thắt dạ dày đại tràng, buồn nôn, kinh nguyệt không đều, chậm kinh, bế kinh, chuẩn bị có kinh đau bụng. Chế biến thuốc dạng viên hoàn, thuốc bột trộn mật ong, ăn ngày 40 đến 50g chia làm 2 lần.
Theo đông y: Nghệ đen có vị đắng, cay, tính bình. Vào kinh can, kinh đại tràng. Có tác dụng hành khí, phá khí, hoạt huyết, tiêu tích, hóa thực. Trong các đơn thuốc chữa bệnh, nghệ đen thường phối hợp với tam lăng, tam lăng thiên về phá huyết tụ, chống kết tập tiểu cầu. Còn nghệ đen mạnh về hành khí, phá khí. Nghệ đen có trong đơn thuốc giúp ăn ngon miệng, đàn bà chóng mặt hoa mắt, bế kinh, hành kinh đau bụng.
Gồm các vị thuốc sau: Lô hội 25g, long đởm thảo 10g, đại hoàng 10g, nga truật 30g, hồng hoa 15g, hà thủ ô 20g, đương quy 20g, ngưu tất 20g, đào nhân 20g, hoàng kỳ 30g, đẳng sâm 20g, sài hồ 20g. Các vị thuốc trên được sao vàng, thái nhỏ, ngâm rượu 2 tuần. Mỗi bữa ăn uống 20ml.
Đối với bệnh co thắt đại tràng thể táo bón, khí trệ, đi ngoài ra máu có thể dùng nghệ đen 1kg, tam lăng 500g, đại hoàng 40g, vừng đen 200g, tất cả đập bột trộn với mật ong ngày uống 40g chia 2 lần.
Nghệ đen chữa viêm dạ dày mãn tính, ăn uống tiêu hóa kém, đầy hơi, ợ chua, buồn nôn: Nghệ đen 1kg, ô tặc cốt 300g, sài hồ 200g tất cả rang vàng đập bột trộn với mật ong. Ăn ngày 40g chia 2 lần.
Chú ý: Nên uống thuốc trước khi ăn 30 phút.

Cải xoong - rau ngon, dược thiện


Cải xoong (Nasturtium officinale hoặc Nasturtium microphyllum) là một loại thực vật thủy sinh hoặc bán thủy sinh, sống lâu năm và lớn nhanh. Chúng có nguồn gốc từ Châu Âu, Trung Á và là một trong số những loại rau ăn được con người dùng từ rất lâu.
Cải xoong là thành viên của họ Cải (Brassicaceae). Về mặt thực vật học chúng có quan hệ họ hàng với rau tần và mù tạc. Tất cả chúng đều có mùi vị hăng và cay, được trồng ở hầu khắp các nơi ở nước ta, là món rau ăn phổ biến trong mùa đông - xuân.
Kết quả phân tích các thành phần hóa học trong 100g rau cải xoong (phần dùng để ăn được) có giá trị dinh dưỡng như sau: chiếm nước 93g, protein 1,7 - 2g, chất béo 0,2 - 0,3g, gluxit 3 - 4g, chất xơ 0,8 - 1g, vitamin A, B1, B2, C và nhiều chất khoáng khác. Đặc biệt, lượng iốt trong rau cải xoong rất cao 20 - 30 mg/100g rau cải xoong phần ăn được. Vitamin C cao (40 - 45mg/100g rau)...
Nhờ trong rau cải xoong chứa lượng vitamin C cao, lại có vitamin A, B1, B2 nên đã giúp bảo vệ sức khỏe, chống oxy hóa, chống độc, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống hiện tượng lão hóa bệnh lý, giữ gìn nét tươi trẻ. Ngoài ra, nhiều yếu tố khoáng chất rất dễ hấp thụ như caxi, iốt vì chúng đều ở dạng liên kết hữu cơ. Nếu lượng caxi đầy đủ mỗi ngày cho cơ thể là 1.000mg thì sẽ giúp người ít mắc bệnh tim và góp phần chống lão hóa.
Còn iốt cần cho tuyến giáp để phòng chống bướu cổ và tăng khả năng tự vệ cho cơ thể, tăng sự trao đổi chất của tế bào, chống còi xương và bệnh béo phì, các bệnh ngoài da, bệnh xơ cứng động mạch ở người già. Song lượng iốt cần cho cơ thể rất nhỏ chỉ 0,1 - 0,5mg/ngày, nhưng thiếu lại sinh bệnh, như vậy mỗi ngày cần ăn rau cải xoong từ 9 - 10g là đủ lượng iốt trên.
Rau cải xoong giúp ta ăn ngon miệng lại tẩy độc, lợi tiểu, có nhiều chất xơ nên tác dụng tốt đối với dạ dày, có tác dụng thông gan mật và góp phần làm giảm bệnh ứ máu. Món ăn rau cải xoong nấu với cá tươi vừa ngon, bổ, mát, có tác dụng giải nhiệt, phòng nhiệt, lợi tiểu, cầm máu, chữa bệnh phổi. Chẳng những là rau ngon, bổ, cải xoong còn được xem như dược, hiện chữa được nhiều bệnh như dưới đây:
Chữa ho lao:
150g cải xoong, 150g phổi lợn đem nấu canh ăn vào buổi sáng. Buổi chiều trộn một nắm rau cải xoong sống với 100g thịt bò sào tái với dấm. Ăn liên tục trong nhiều ngày.
Món ăn này giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, mau lành bệnh.
Chữa sỏi mật, sỏi thận:
Lấy cải xoong phơi chỗ thoáng mát cho đến khi khô. Mỗi ngày dùng 50g cho vào ấm đất, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, chia hai lần uống trong ngày (sáng, chiều) và uống khi còn nóng.
Chữa bệnh nhiệt:
Môi lưỡi bị lở loét, chảy máu chân răng thì lấy rau cải xoong nấu với cà rốt lấy nước uống sẽ khỏi.
Chữa bệnh đái đường:
100g cải xoong, 100g cần tây, 100g củ cải, 100g cà rốt, 100g cải bắp ép lấy nước hoặc giã nát, vắt lấy nước uống. Đây là bài thuốc dân truyền chữa bệnh đái đường rất hiệu quả.
Chữa bí tiểu:
Lấy rau cải xoong rửa sạch, trộn với dầu vừng (dầu mè) và dấm.
Chữa viêm phế quản mạn tính:
150g cải xoong, 50g lá tía tô, 5g gừng tươi. Cho cả 3 thứ vào ấm đất, đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, chia 3 lần, uống trong ngày. Mỗi lần uống cách nhau từ 3 - 4 tiếng. Khi uống phải hâm nóng.
Ngăn chặn ung thư:
Nhiều thử nghiệm cho thấy các hoạt chất được chiết xuất từ lá cải xoong thực sự ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Các nghiên cứu khẳng định isothiocyanate - tên một nhóm hợp chất trong cải xoong - có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Mướp đắng - Chữa tiểu đường, huyết áp cao



Ở nước ta, mọi người thường xắt lát quả mướp đắng chưa già, ngâm vào nước muối để giảm chất đắng, đem nấu canh hay làm món xào hoặc nhồi thịt xay vào ruột quả mướp rồi đem nấu canh.
Phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy, mướp đắng có: Protein 0,9%; lipit 0,1%; hydratcacbon 0,2% và nhiều vitamin, khoáng chất: vitamin A (mg) 0,04; B1 0,05%; B2 0,03%; Canxi 22%; Kali 26%; Magiê 16%; Sắt 0,9%.
Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, nếu được dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng. Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư, hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ. Ngoài ra, mướp đắng còn có tác dụng dược lý sau:
- Chống các gốc tự do là nguyên nhân gây lão hoá và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, tiểu đường…
- Tăng oxy hoá glucose, ngăn chặn sự hấp thu glucose vào tế bào. Ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucose.
- Có tác dụng sinh học giống insulin, giúp cơ thể tăng tiết insulin, rất tốt đối với bệnh nhân tiểu đường dạng 2.
- Chữa ho, mụn trứng cá (uống trong và bôi ngoài) và rôm sảy (uống trong và bôi ngoài, khi khô thì tắm).
Cách chế: Mướp đắng tươi 200g cắt nhỏ, sắc 3 lần với nước, mỗi lần lấy 1 bát, tất cả cô lại còn 1 bát, chia làm 3 – 4 lần uống (hoặc cả uống trong, bôi ngoài) trong ngày. Trẻ em dùng nửa liều trên.
Chữa tiểu đường dạng 2 mới mắc (khi chưa phải dùng tân dược), phối hợp với các loại sulfamid chữa tiểu đường dạng 2 để tăng tác dụng giảm liều và giảm tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, nước sắc quả mướp đắng tươi cũng giúp phòng chống các bệnh tim mạch, thần kinh, ung thư, lão hoá, giảm tác hại của tia xạ với người bệnh.
Cách chế: Quả mướp đắng tươi rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ (bỏ hạt) cho vào máy xay sinh tố xay nhỏ, sau đó cho vào túi vải sạch đã tiệt trùng bằng cách luộc sôi 15 phút vắt lấy nước, đun sôi 15 phút (nước 1). Bã cho thêm nước (1kg quả tươi ban đầu thì cho 500ml nước) đun sôi, để nhỏ lửa trong 15 phút, lấy ra để nguội, vắt lấy nước (nước 2). Bã lại cho thêm nước (1kg quả tươi ban đầu thì cho 300ml nước) đun sôi để nhỏ lửa trong 15 phút, lấy ra để nguội, vắt lấy nước (nước 3). Bỏ bã, gộp cả nước 1, nước 3 đun sôi trong 15 phút.
Chia liều: Nếu ban đầu có 1kg quả tươi thì chia nước vắt thành 10 liều, mỗi ngày uống 1 liều ngay sau bữa ăn. Phần còn lại bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần.
* Chữa say nắng: Dùng mướp đắng 60g, cuống lá sen 30g, đậu ván trắng 30g, sắc nước uống trong ngày để chữa say nắng phát sốt. Nếu trường hợp bị nhẹ chỉ cần dùng 15g mướp đắng đã bỏ lõi phơi khô, sắc nước uống.
* Chữa đau răng: Dùng mướp đắng 1 quả, đường kính trắng 60g. Mướp đắng rửa sạch, bỏ lõi, giã nhuyễn cho vào đường trộn đều. Sau 2 giờ, vắt lấy nước cốt uống. Bài thuốc này chữa đau răng do nắng nóng hay ăn nhiều chất cay nóng hiệu quả.
* Chữa tăng huyết áp: Dùng mướp đắng tươi 60 – 80g, rau cần 200g, sắc nước uống trong ngày, liên tục 7 – 10 ngày (một liệu trình) chữa tăng huyết áp.
- Mướp đắng 150g thái nhỏ, gạo tẻ 30 – 50g. Cho gạo vào nồi đổ nước, đun sôi một lúc rồi cho mướp đắng vào nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn 2 lần khi cháo còn ấm. Bài thuốc này chữa đái tháo đường hiệu quả.
- Mướp đắng tươi 60 – 80g (hoặc 30 – 40g khô), thái nhỏ, hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày. Cũng có thể dùng mướp đắng phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g bằng nước đun sôi. Bài thuốc này chữa đái tháo đường hiệu quả.
Lưu ý: Mướp đắng có tính lạnh nên những người tỳ vị hư hàn ăn dễ bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa vì vậy không nên dùng nhiều. Khi dùng mướp đắng (ở mọi dạng chế biến), không được dùng huyền sâm hoặc các chế phẩm có huyền sâm.

Vị thuốc trừ trái sa kê


Sa kê tên khoa học là Artocarpus altilis, thuộc họ dâu tằm (Moraceae) là loại cây được trồng nhiều ở miền Tây Nam bộ nước ta. Các bộ phận như trái, rễ, lá, vỏ và nhựa của cây sa kê có nhiều dược tính nên được sử dụng làm thuốc trị bệnh.
Theo Đông y, cây sa kê có tác dụng tốt đối với một số bệnh về chuyển hóa. Cụ thể: Thịt của trái sakê có tác dụng bổ tỳ, ích khí; hạt sakê thì bổ trung ích khí, lợi trung tiện; vỏ cây có tác dụng sát trùng tiêu viêm, tiêu độc, dùng để trị ghẻ; nhựa cây sa kê pha loãng trị tiêu chảy, lỵ; rễ sa kê có tính làm dịu, sát khuẩn, dùng để trị ho, hen suyễn, các chứng rối loạn dạ dày, đau răng hay bệnh về da rất hiệu quả; lá sa kê phối hợp với lá đu đủ non tươi, giã với vôi để đắp trị mụn nhọt.
Trong dân gian còn sử dụng lá sa kê để trị phù thũng hay viêm gan vàng da bằng cách lấy lá già (còn tươi) nấu uống. Lá sa kê còn có thể phối hợp với một số vị thuốc khác trị sỏi thận, gút, tiểu đường, tăng huyết áp...
Dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh từ cây sa kê.
- Chữa viêm gan vàng da: Lá sa kê tươi 100g, diệp hạ châu tươi 50g, củ móp gai tươi 50g, cỏ mực khô 20 – 50g. Nấu chung, lấy nước uống trong ngày.
- Trị đau răng: Lấy rễ cây sa kê, nấu nước ngậm và súc miệng.
- Trị bệnh gút, sỏi thận: Dùng lá sa kê già (còn tươi) 100g, dưa leo 100g, cỏ xước khô 50g, cho 3 thứ vào nồi nấu lấy nước uống trong ngày.
- Trị chứng tăng huyết áp dao động: Dùng lá sa kê vàng (vừa rụng) 2 lá, rau ngót tươi 50g, lá chè xanh tươi 20g, nấu chung lấy nước uống trong ngày.
- Trị tiểu đường týp 2: Lấy lá sa kê già 100g (khoảng 2 lá), quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g, cho vào nồi nấu lấy nước uống hằng ngày.
Lưu ý, chỉ nên dùng lá sakê sắc uống trong trường hợp phù thũng, bí tiểu hoặc viêm nhiễm, còn bình thường không nên uống thường xuyên, nhất là uống quá nhiều sẽ không có lợi, bởi vì ngoài tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, lá sakê còn chứa độc tính nhất định.