Wednesday, June 27, 2012

Vị thuốc từ cây me

Trái me có tác dụng mát gan, phổi, dạ dày, tiêu thực, chữa nóng quá sinh phiền khát, tiểu đỏ sẻn, trị nóng rát cổ, ho khản tiếng. 
Ở Việt Nam, me được trồng phổ biến từ lâu, từng hàng me xanh mướt dọc đường phố, đường làng ngõ xóm, trong các vườn cây ăn quả. Các bộ phận của cây đều dùng làm thuốc: trái me dưỡng can, minh mục, hoá tích, tán bì, sát khuẩn, thoái nhiệt, chỉ khát, mát gan, phổi, dạ dày, tiêu thực, chữa nóng quá sinh phiền khát, tiểu đỏ sẻn, trị nóng rát cổ, ho khản tiếng. 

Một số cách dùng me chữa bệnh 

- Nôn nghén, chán cơm khi có thai: Quả me 30g, đường trắng 10g. Me cạo vỏ cho vào nồi nấu với 300ml nước, đun sôi kỹ còn 200ml, chắt nước bỏ bã, cho đường quấy đều chia 3 lần uống trong ngày. Uống trong vài ba ngày liên tiếp. Có thể dùng mứt me, ô mai me cam thảo để ngậm. 

Quả me chín có tác dụng chữa táo bón. 

- Bệnh gan mật gây vàng da: Thịt quả me 20 -120g pha đường đủ ngọt uống trong ngày với liều trẻ em 3 tuổi: 5g, 5 tuổi:10g, 12 tuổi: 30g. Quả me nghiền nát bỏ xơ, cứ 50g thịt quả me trộn với 125g đường cho vào 500g đun còn 200g. Để uống chữa sỏi mật đồng bào vùng Đồng Tháp Mười dùng hạt rang vàng xay bột mịn uống với nước đun sôi để nguội. 

- Trẻ em mùa hè rôm sảy, mẩn ngứa: Dùng lá me nấu nước tắm. 

- Táo bón: Ăn quả me chín hoặc sắc nước gỗ me uống. 

- Viêm lợi, răng: Vỏ cây me sắc nước đặc ngậm, súc miệng. 

- Chảy máu ngoài da: Cầm máu bằng rắc bột vỏ cây me hoặc giã đắp. 

- Tẩy giun: hạt me rang chín tán bột 190g, 160g bột quả dun (sử quân tử đã bào chế kỹ tránh gây nấc), đường vừa đủ làm viên bằng hạt ngô. Mỗi sáng 3 viên uống 3 sáng liền. Không phải dùng thuốc tẩy. 

- Viêm kết mạc: Lá me rửa thật sạch đủ để hãm vào cốc nước thật sôi lấy nước để rửa mắt. 

- Bồi dưỡng chữa suy nhược: vitamin C có nhiều ở quả chữa chảy máu chân răng. Vitamin B có nhiều ở búp lá, lá non dùng để pha nước uống, hoặc làm rau ăn hằng ngày.

Vị thuốc từ cải tàu bay


Cải tàu bay còn gọi là cải trời, có tên khoa học là Gynura crepidioides Benth, thuộc họ Cúc (Asteraceae), thường mọc ở khu vực trung du, miền núi vào đầu mùa mưa.
Cải tàu bay có thân thảo mập, có rãnh mọc đứng, cao khoảng 0,4 -1 m. Có rễ cái màu trắng hoặc nâu. Lá to, mỏng, hình trứng dài, mép có răng cưa to hoặc có khía, có mùi thơm. Hoa lưỡng tính, tự hình đầu, hợp thành ngù, màu hồng nhạt đến đỏ và đỏ nâu, có mào lông mịn, trắng, mềm. Quả bé có mào lông trắng xù ra sẽ được gió tung bay khắp nơi nên có tên là cải “tàu bay”.
Cải tàu bay thường dùng để ăn sống, muối dưa, luộc, xào, nấu canh... Tuy nhiên, khi nấu canh rau tàu bay nên lắng bỏ phần dầu trên bề mặt để khỏi bị có mùi hôi hôi rất đặc trưng của cải tàu bay, rồi mới cho gia vị vào, thì sẽ thơm ngon.
Theo y học dân gian, cải tàu bay có vị đắng, mùi thơm, tính bình, có tác dụng thanh can hỏa, giải độc, se da, tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng. Thường dùng cả cây phơi khô làm thuốc trị cảm sốt, hạ nhiệt, kích thích tiêu hóa và lợi tiểu. Dịch lá trừ giun, thu liễm, giã đắp trị mụn nhọt.
Rau tàu bay có những công dụng phòng chữa bệnh như sau:
- Cải tàu bay cung cấp các loại vitamin nói chung và vitamin A, C là những vitamin chống ôxy hóa, khử gốc tự do.
- Cải tàu bay có nhiều xơ gây nhuận tràng và giảm hấp thu chất béo, làm thức ăn kiêng cho người béo phì.

Vị thuốc cỏ sữa


Cỏ sữa lá lớn có tên khoa học là Euphoria hirta L. thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Là loại cỏ mọc hàng năm, thân mảnh, mọc đứng cao khoảng 40cm có màu đỏ nhạt, có phủ lông màu vàng nhạt. Lá màu xanh hoặc đỏ, hình mác, dài khoảng 2-3 cm, rộng 5-15 mm, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa nhỏ, màu trắng đỏ nhạt. Quả màu nâu nhạt.
Cỏ sữa lá nhỏ có tên khoa học Euphorbia thymifolia Burm, thuộc họ thầu dầu, thường được dùng toàn cây làm thuốc. Cây mọc lan trên mặt đất, thân cành có màu tím đỏ. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc thon dài, dài nhất khoảng 7 mm, lá hơi khía tai bèo. Cả hai loại cỏ sữa nói trên mọc hoang khắp nơi và được dùng để chữa bệnh, nhất là bệnh lỵ.
Cỏ sữa thu hái về mùa hè, rửa sạch, phơi khô để dùng dần làm thuốc. Sở dĩ gọi là “cỏ sữa” bởi vì khi bẻ ngang thân chỗ nào cũng tiết ra một chất nhựa mủ màu trắng đục như sữa. Theo đông y, cỏ sữa có vị hơi đắng, chua, tính mát, hơi có độc, tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, giải độc, chống ngứa, thông sữa. Toàn cây đều được dùng làm thuốc.
Người ta dùng lá cây cỏ sữa để cầm máu và điều trị các trường hợp rối loạn đường tiêu hóa, giúp hạ sốt và làm mát cơ thể. Cỏ sữa giúp làm mềm da và làm giảm kích ứng các màng nhày trong cơ thể. Cỏ sữa còn có tác dụng xổ nhẹ. Sau đây là những bài thuốc từ cỏ sữa:
- Chữa nứt môi hoặc viêm lưỡi: Lấy dịch mủ của cây cỏ sữa lá lớn bôi lên môi giúp mau lành các vết nứt nẻ môi.
- Chữa viêm loét, mụn nhọt ngoài da: Cỏ sữa lá nhỏ lượng vừa đủ, giã nát đắp lên chỗ tổn thương.
- Cầm tiêu chảy: Lấy khoảng 12gr thân lá cỏ sữa lá lớn nghiền hoặc xay chung với ít nước uống vào sẽ giúp cầm tiêu chảy và lỵ.
- Chữa các bệnh nhiễm trùng da: Lấy cây cỏ sữa lá lớn phơi khô nghiền thành bột trộn thành khối nhão sau đó đắp lên vết thương hay vết bỏng.
- Chữa lỵ: Cỏ sữa lá to phối hợp với hoàng đằng, nấu thành cao lỏng để uống.
- Chữa viêm da mẩn ngứa: Cỏ sữa lá nhỏ lượng vừa đủ giã nát, xoa xát hay nấu nước tắm rửa.
- Chữa ho hen: Cỏ sữa lá to 10 g, lá cây bồng bồng 3 lá, lá dâu 20 g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.
- Chữa lòi dom chảy máu: Cỏ sữa lá nhỏ tươi 80-100 g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Có thể dùng cây khô sắc uống.
 - Chữa thiếu sữa: Cỏ sữa tươi 100g, hạt cây gạo 40g, hai thứ sắc kỹ, lấy nước nấu cháo gạo ăn.
- Chữa lỵ: Cỏ sữa lá nhỏ 20-50 g (ở người lớn có thể dùng tới 100-150 g). Sắc uống ngày một thang. Hoặc cỏ sữa lá nhỏ 30 g, rau sam 30 g, sắc uống ngày một thang.
Chú ý: Cỏ sữa có độc nhẹ nên tránh dùng các loại cỏ sữa ở liều cao vì có thể gây kích ứng dạ dày và gây nôn mửa, nên uống cùng lúc khi ăn. Ngoài ra, chất “nhựa mủ” gây độc đối với cá và chuột.

Cua đồng trị viêm thận cấp


Cua đồng không chỉ là thực phẩm dân dã quen thuộc đối với người Việt Nam chúng ta mà còn là một vị thuốc tốt.
Y học cổ truyền dùng cua đồng chữa ứ huyết khi bị chấn thương bầm dập. Y học hiện đại xác nhận, trong cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.
Theo đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục. Điểm đáng lưu ý là không dùng cua đồng có mắt đỏ, có lông ở bụng, có chấm ở lưng và có khoang ở chân. Không được uống nước cua sống vì có thể chứa ấu trùng sán lá.
Canh riêu cua
Trong y học cổ truyền, cua đồng được dùng như sau:
- Chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi:
 Cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, rang nhỏ lửa cho vàng và khô, tán bột. Dùng 15 g - 20 g khuấy với bột gạo, cho trẻ ăn trong ngày. Kết hợp cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng 15 phút, 2-3 lần/tuần.
 - Chữa vết thương đụng dập, lở loét:
 Cua đồng 2 con giã nát, rượu 1 chén, cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ đau.
- Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: 
Rau nhút 1 - 2 nắm bỏ rễ, cạo bỏ phần bấc, ngắt đoạn, rửa sạch; khoai sọ 300 g - 400 g cạo vỏ, xắt nhỏ; cua đồng 200 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, gạn lấy nước. Cho khoai sọ vào nước cua nấu chín, khi gần chín, cho rau nhút vào, đun sôi tiếp 5 - 10 phút. Ăn trong ngày, dùng 2 - 3 ngày.
- Giải nhiệt mùa hè trị lở ngứa: 
Cua đồng 200 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; mướp hương 1 - 2 trái cạo vỏ, rửa sạch, cắt miếng; rau đay và mồng tơi tươi mỗi thứ 100 g rửa sạch, cắt đoạn. Đun sôi nước cua và cho các loại rau vào, đến khi mướp chín là được.
- Trị viêm thận cấp: 
Cua đồng 250 g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; vỏ cây dâu 50 g rửa sạch, cắt đoạn. Đem tất cả nấu thành canh, uống nước.
- Trị trướng bụng, chứng phù tim: 
Cua đồng tươi nấu cháo, ăn nóng.
- Chữa sưng tấy: 
Mai cua 10 g sao vàng, vảy tê tê 10 g sao phồng rộp; gai bồ kết 10 g phơi sấy khô. Tất cả tán bột, uống với rượu.
Những người đang bị ho hen, cảm cúm không được ăn cua. Một số người dễ bị dị ứng với cua, sau khi ăn nổi mề đay khắp người xử trí bằng bài thuốc sau: Nam hoàng bá 16g, tía tô 12g, ngân hoa 10g, liên kiều 10g, kinh giới 12g, sài hồ 12g, đinh lăng 16g, cành châu 16g, cam thảo đất 16g, cỏ mần trầu 12g, cát căn 16g, rau má 16g, bạch thược 12g, chi tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần. Tác dụng: chống dị ứng, giải độc, trừ tà.
- Đau răng đau lợi do vị nhiệt:
Cua đồng nấu với mướp đắng, ăn hàng ngày. Đồng thời dùng bài thuốc: Hoàng cầm10g, chi tử 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, đinh lăng 16g, bồ công anh 16g, chân cua đồng (sao vàng) 20g, cam thảo 10g, bạch thược 12g, bạch mao căn 16g, khổ qua 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
- Càng cua đồng rang muối ớt
Càng cua đồng rửa sạch, luộc sơ với nước sôi rồi vớt ra để ráo nước. Bắc chảo lên bếp (không cần dầu mỡ), bỏ càng cua vào chảo và rắc muối ớt vào (tùy càng cua ít nhiều mà rắc muối cho vừa ăn). Rang khô cho đến khi càng cua chín vàng, giòn là được. Sắp càng cua ra đĩa, bên cạnh có đĩa rau răm, ngò gai bốc mùi thơm lừng. Càng cua cay cay, mằn mặn, chấm với muối tiêu chanh thì ngon tuyệt.

Nước lựu chữa chứng "khó cương"


Nghiên cứu mới đây cho thấy, chỉ cần một cốc nước lựu ép mỗi ngày có thể giúp giải quyết chứng bệnh khó nói trên ở nam giới thay vì phải sử dụng Viagra.
Hiện nay, việc kinh doanh bán nước lựu ở các nước phương Tây đang trở nên rất phát đạt, đặc biệt là ở Anh.
Harin Padman-Nathan và các cộng sự của mình tại Đại học Californie Los Angeles (UCLA) đã tiến hành thí nghiệm với 53 người đàn ông đang gặp phải các vấn đề rắc rối với chứng bệnh này. Kết quả cho thấy, có tới 47% số người tham gia đã cải thiện được sức khỏe tình dục nhờ uống một ly nước lựu ép mỗi ngày, trong khi đó với những người sử dụng thuốc kích thích con số đó chỉ là 32 %.
Harin Padman-Nathan, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Những kết quả này là rất đáng khích lệ, vì nó không có tác dụng phụ cũng như không có chất hóa học. Những người đàn ông mắc phải chứng bệnh này chỉ cần có chế độ dinh dưỡng đúng đắn cũng như luyện tập thể dục đều đặn sẽ tăng cường được sức khỏe tình dục hiệu quả".
Những tác dụng mà lựu mang lại là do trong thành phần của nó chứa chất chống oxy hóa, các chất này sẽ ngăn chặn các hoạt động làm tổn hại đến các mạch máu giúp cho sự cương cứng dương vật.
Rất nhiều công dụng của việc uống nước lựu ép: Chẳng hạn như chống ung thư tuyến tiền liệt, chống các bệnh tim mạch và chống bệnh hư khớp đã được nói đến trong các nghiên cứu trước đây.

Tuesday, June 26, 2012

Vị thuốc từ cây húng chanh


Húng chanh còn gọi là tần dày lá, rau thơm lùn, rau thơm lông, rau tần, dương tử tô và có tên khoa học là  Plectranthus amboinicus.
Húng chanh là loại cây thân thảo, sống lâu năm, cao 20-50 cm. Lá mọc đối, dày cứng, giòn, mọng nước, mép khía răng tròn. Toàn cây có lông rất nhỏ và thơm như mùi chanh nên được gọi là húng chanh. Húng chanh là cây thân thảo, sống lâu năm. Lá và ngọn non ngoài việc dùng làm rau gia vị, còn được sử dụng như một vị thuốc thu hái quanh năm.
Rau húng chanh có vị chua the, mùi thơm, hăng hăng, tính ấm, đi vào phế, thường dùng giải cảm rất hay, và dùng sát khuẩn, tiêu đàm, khử độc. Lá húng chanh có giá trị trị liệu cao, được sử dụng dưới nhiều cách khác nhau như giã lấy nước uống thô với chút muối để xoa dịu các cơn ho kéo dài, trừ giun sán. Lá húng chanh tươi giã và cho vào băng gạc để đắp có thể ngăn ngừa nhiễm trùng cho vết thương ngoài da. Lá húng chanh ngâm với rượu dùng để xoa khi đau bụng... Dưới đây là một số bài thuốc nam thường dùng trong dân gian từ cây húng chanh:
- Rắn cắn, bò cạp và ong đốt: Lá húng chanh tươi giã đắp
- Chữa chảy máu cam: Húng chanh 20g, lá trắc bá sao đen 15g, hoa hòe sao đen 10g, cam thảo đất 15g. Sắc uống ngày một thang. Lá húng chanh đem vò nát, nhét vào bên mũi chảy máu.
- Chữa dị ứng nổi mề đay: Lá húng chanh nhai nuốt nước, bã thì đắp hay xoa xát.
- Chữa đau bụng: Lá húng chanh non rửa sạch, 1-2 lá nhai với một ít muối, ngậm nuốt dần dần.
- Chữa cảm cúm, ho, viêm họng, khản tiếng: Lá húng chanh non 5-10g giã nát vắt lấy nước cốt nóng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (15-20g), thêm nước, vắt lấy nước uống làm 2 lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2-3 lần.
- Chữa sốt cao, không ra mồ hôi: Húng chanh 20g, lá tía tô 15g, gừng tươi 5g cắt lát mỏng, cam thảo đất 15g. Sắc uống nóng cho ra mồ hôi.
- Chữa hôi miệng: Húng chanh khô một nắm đem sắc lấy nước, thường xuyên ngậm và súc miệng rồi nhổ ra. Cần làm 5-7 lần.

Vị thuốc từ quả na


Cây na còn gọi là phan lệ chi, sa lê, mác kiếp hay mãng cầu (cách gọi riêng của các tỉnh phía Nam), tên khoa học Annona Squamosa thuộc họ Annonaceae. Có mùi thơm ngon đặc biệt khi ăn na dai ngon hơn hẳn na bở. Na là loại quả nhiều dinh dưỡng, giàu dược tính nên trong Đông y còn sử dụng làm thuốc trị nhiều bệnh chứng khác nhau.
Đông y cũng cho rằng, na có vị ngọt hơi chua tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đàm, chữa kiết lỵ… Quả na chín có công dụng bồi bổ cơ thể rất tốt đối với người già, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh… Còn quả na điếc, tức là quả na khi còn non bị nấm làm hỏng, xác khô, màu nâu đỏ tím được dùng trị mụn nhọt ở vú phụ nữ, chữa ho, viêm họng… Ngoài ra trong dân gian còn sử dụng hạt na để diệt chấy rận, lá na trị sốt rét kinh niên, bong gân, rễ và vỏ cây na dùng làm thuốc tẩy giun…
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu cách trị một số bệnh từ na như sau:
* Chữa sưng vú: Lá na 1 nắm, giã nát cùng với lá bồ công anh đắp vào chỗ vú sưng. Ngày thay 1 lần.
* Chữa bong gân chấn thương: Lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, Vôi tôi 5g, Muối ăn 5g, tất cả giã chung cho nát rồi hơ lửa cho nóng đắp vào vùng tổn thương. Ngày đắp 1 lần.
* Tẩy giun đũa: Rễ na 30 – 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua, sắc lấy nước đặc uống 1 lần vào buổi sáng.
* Bồi bổ cho người già, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh: Na chin ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 quả.
* Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Dùng quả na điếc 20g, đốt cháy tồn tính, Cỏ lào ngọn non 50g, gạo tẻ 30g rang thật vàng, cho tất cả vào sắc uống, ngày 1 thang chia 3 lần,
* Trị nhọt vú: Lấy quả na điếc phơi khô tán bột, hòa với giấm, lấy nước hỗn hợp này hằng ngày bôi nhiều lần vào chỗ nhọt.
* Chữa răng bị đau nhức: Lấy hạt na giã nhỏ ngâm rượu, rồi lấy rượu đã ngâm hạt na ngậm vào chỗ răng sưng đau, sau ngậm chừng 10 – 15 phút thì nhổ nước này đi. Ngày cần ngậm vài ba lần.
* Trị chấy rận: Lấy nước hạt na giã ngâm rượu đặc cho lên đầu tóc, sau ủ kín bằng vải trùm đầu để chừng 30 phút thì gội đầu. Cũng lấy dung dịch rượu ngâm hạt na này cho vào quần áo ngâm.
* Trị viêm họng: Quả na điếc 50g, Sinh địa 50g, rễ Xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g. Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính), và cùng giã nhỏ tán bột mịn, rồi trộn với 150g đường kính đã nấu thành xi rô làm thành hoàn mỗi viên nặng 0,5g. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3 – 4 viên. Trẻ em tùy tuổi mà ngày uống từ 3 – 6 viên chia 2 lần. Cần uống 3 – 5 ngày.
* Chữa sốt rét: Quả na điếc 40g, Giun đất (loại khoang cổ) 80g, phèn phi 20g, Quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu sao vàng, Giun đất lộn ruột ra ngoài, rửa sạch và tẩy rượu, phơi khô, sao vàng, Hai thứ lại trộn với phèn phi, tán bột mịn, và luyện với nước tỏi làm hoàn bằng hạt đậu xanh, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.
Hoặc lấy lá na 20 – 30g, giã nhỏ, chế thêm nước vắt lấy 1 bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sang ngày sau cho chút rượu khuấy và uống trước khi lên cơn sốt rét khoảng 2 giờ. Mỗi ngày uống 1 lần, cần uống liền từ 5 – 7 ngày.

Măng cụt, vị thuốc quý


Cây măng cụt còn gọi là sơn trúc, có tên khoa học Garcinia mangostana L., thuộc họ bứa (Clusiaceae), là loại trái cây miền nhiệt đới được trồng nhiều nơi ở miền Nam nước ta. Trái măng cụt (sơn trúc tử) ăn khá ngon, đồng thời là vị thuốc quý.
Theo các thầy thuốc, trong “cơm” trái măng cụt có chứa hoạt chất polyphenol là xanthon có tác dụng chống ôxy hóa, giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể; kháng nấm: Xanthon có đặc tính kháng nấm và kháng vi khuẩn; kích thích hệ thống miễn dịch cơ thể, kháng dị ứng, nhất là những dị ứng xảy ra trong ruột ; ức chế những tế bào ung bướu, nên có ích trong việc chống ung thư; giúp giảm đau, được dùng để điều trị những chứng đau, viêm sưng, làm hạ sốt; có tác dụng làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể, nên rất có ích cho những người muốn giảm cân.
Vỏ trái măng cụt chứa từ 7 - 12% tanin, nhựa và chất đắng. Trong dân gian thường sử dụng vỏ trái măng cụt để làm thuốc với tác dụng sát khuẩn, làm săn da, cầm tiêu chảy và kiết lỵ. Ăn trái măng cụt có tác dụng chống viêm và ngăn ngừa khối u hiệu quả và có thể ngăn chặn các bệnh như tiểu đường, bệnh tim, Alzheimer và các bệnh mãn tính khác.
Sau đây là những bài thuốc từ vỏ trái măng cụt:
- Trị tiêu chảy, kiết lỵ: Lấy 10 cái vỏ trái khô cho vào nồi nấu sôi với một lít nước cho đến khi còn khoảng nửa lít, chia hai - ba lần uống trong ngày.
- Trị tiêu chảy: Vỏ trái măng cụt khô 20g, vỏ rộp cây ổi 12g. Sắc với 700ml nước, còn 300ml, chia làm hai lần uống trong ngày.
- Trị kiết lỵ: Vỏ trái măng cụt khô 20g, hạt mùi (ngò) 4g, tiểu hồi 4g (hoặc hạt thìa là 5g). Sắc uống trong ngày.

Mướp hương chữa tắc sữa


Mướp hương có tên khoa học là Luffa eylindrica (L.) M.J.Roem, thuộc họ Bí (Cucurbitaceae) được trồng ở khắp nơi để lấy quả làm thức ăn và các bộ phận khác dùng để chữa bệnh. Gọi là mướp hương là do quả mướp thoang thoảng hương nếp như mùi lá dứa thơm. 
Theo đông y, mướp hương vị ngọt, tính bình; có tác dụng làm điều kinh (phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều nên ăn mướp xào với tôm cả vỏ), ngừng bạch đới, bình can ngưng phong, làm mát, nhuận da, thông đại tiểu tiện; thường dùng để chữa các chứng bệnh như: Sốt cao phiền khát, viêm họng, viêm phế quản, trĩ, bạch đới, viêm đường tiết niệu, sản phụ sữa không thông, táo bón (trái mướp nấu canh ăn).
Quả mướp nấu canh ăn hằng ngày có tác dụng nhuận tràng và làm dịu đau (chính là do chất nhày chứa với hàm lượng cao trong quả). Quả mướp non ninh với chân giò hoặc móng giò lợn là thuốc tăng tiết sữa và làm máu lưu thông; xơ mướp được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là ty qua lạc, có vị ngọt dịu, tính bình, có tác dụng cầm máu, thông kinh lạc, chống co thắt, thúc sởi, lợi tiểu. Thân cây mướp: Lấy từ mặt đất trở lên độ 1m, chặt nhỏ, đốt tồn tính, tán mịn, uống mỗi lần 10g với ít rượu chữa viêm xoang mũi, chảy nước mũi và có mùi hôi.
 Lá mướp (dùng lá bánh tẻ), thu hái quanh năm, để tươi hoặc phơi khô. Dược liệu có vị đắng, chua, tính hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, giảm ho, giải độc, tiêu thũng…
Dưới đây là tác dụng của mướp
- Viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm bể thận: 200g mướp, nấu nhừ cho ít mật ong mà ăn, ngày ăn 2 lần.
- Chữa viêm họng: Lá mướp hương rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, gạn uống làm một lần. Chữa ho, hen kéo dài: Lá mướp hương 15g nấu nước uống hoặc chế biến dưới dạng cao lỏng 1/1, mỗi lần uống 0,5ml.
- Chữa phù thũng: Lá mướp hương 15g phối hợp với cây cứt lợn 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày. Dùng 5 – 7 ngày.
- Chữa viêm xoang mũi, chảy nước mũi và có mùi hôi: Thân cây mướp: Lấy từ mặt đất trở lên độ 1m, chặt nhỏ, đốt tồn tính, tán mịn, uống mỗi lần 10g với ít rượu.
- Chữa đau lưng, đau hông do thấp nhiệt: Thân cây mướp 30g, phối hợp với xa tiền tử 30g, hổ trượng 15g, hoàng bá 10g, sắc nước uống ngày 1 thang.
- Chữa sốt cao, đau đầu: Hoa mướp 20g, hạt đậu xanh 100g. Đậu xanh để cả vỏ, ninh nhừ rồi lấy khoảng 400ml nước cốt. Vớt xác đậu xanh ra, cho hoa mướp đã thái nhỏ vào, đun sôi trong 5 – 10 phút. Để nguội. Chắt lấy nước uống làm 2 – 3 lần trong ngày.
- Chữa băng huyết: Đài của quả mướp hương 1 – 2 cái phối hợp với huyết dụ 2 – 3 lá, rễ cỏ tranh 20g, rễ cỏ giày 20g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa kinh nguyệt không thông, không đều: Dùng 1 trái mướp khô đốt tồn tính, tán bột, uống ngày 10g vào lúc sáng sớm (nếu được thì uống với 1 chút rượu).
- Chữa trĩ ra máu, rong kinh, băng huyết, kiết lỵ ra máu: Xơ mướp đốt tồn tính, tán bột, uống mỗi ngày 4 – 8g chia làm 2 lần chiêu với nước ấm.
- Chữa tắc tia sữa: Xơ mướp 1 cái, gai bồ kết 10 cái, hành tươi hoặc phơi khô 1 củ. Tất cả băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 2 – 3 ngày. Kết hợp xoa nắn vú cho thông tia sữa.
- Chữa hen: Xơ mướp 20g băm nhỏ, sao; hạt đay quả dài 12g, giã dập, sao. Trộn đều, sắc uống lúc nóng. Ngày hai lần. Dùng 2 – 3 ngày.
- Chữa bế kinh: Xơ mướp đốt tồn tính, tán nhỏ, trộn với tiết chim bồ câu trắng làm thành bánh, rồi phơi khô, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8g với rượu vào lúc đói (Nam dược thần hiệu).
- Chữa sởi (làm sởi mọc nhanh và mọc đều, hạn chế các biến chứng): Xơ mướp 20g, kinh giới 12g, bạch chỉ 12g, kim ngân 12g, cỏ mần trầu 8g, cam thảo nam 4g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa bệnh zonal: Dùng lá non vò nát, chấm nhẹ vào vùng mẩn nốt, nếu bị bên trong cơ thể thì dùng 10 - 15g xơ mướp sắc uống hằng ngày.
- Chữa thông sữa, lợi sữa: Dùng 1 trái mướp tươi, 10g muối ăn, nấu sôi với 1 lít nước, cho sản phụ uống đến khi sữa ra nhiều. Hoặc nấu mướp với chân giò heo để ăn.

Thầu dầu tía chữa sa tử cung


Thầu dầu tía còn gọi là cây đu đủ tía, tên khoa học là Ricinus communis L thuộc họ thầu dầu (Euphorbiacae). Cây thầu dầu tía được sử dụng lá tươi để đắp lên trán và 2 bên thái dương để chữa đau đầu do cảm sốt. Hạt thầu dầu được ép thành dầu để làm thuốc nhuận trường, thông tiện, trong các chứng táo bón của trẻ em hay phụ nữ có thai, bệnh nhân mổ và sản phụ. Thuốc có tác dụng tẩy nhẹ.
Theo GS. Đỗ Tất Lợi thì dầu thầu dầu không gây hiện tượng xót trong ruột, chỉ làm ruột non và ruột già co bóp nhiều hơn, mà không gây ảnh hưởng đến tiểu khung, bởi vậy được sử dụng cho phụ nữ đang mang thai là rất tốt để chống táo bón mà không gây ra nguy hiểm gì.
Người ta còn sử dụng lá thầu dầu để trị liệu các chứng bệnh ngoài da như: Da viêm mủ, eczema, mẩn ngứa, ung nhọt, hay các bệnh viêm tuyến vú, viêm đa khớp, diệt dòi, diệt bọ gậy. Rễ cây thầu dầu còn dùng để chữa phong thấp, đau nhức khớp, đòn ngã sưng đau, sài uốn ván, động kinh, tâm thần phân liệt... Lá và rễ cây thầu dầu thường được sử dụng với liều trung bình từ 30 – 60g tùy theo chứng bệnh. Dùng ngoài được lấy lá giã đắp... Người ta cũng đã xác định được các hoạt chất chứa trong hạt thầu dầu.
Cụ thể là hạt thầu dầu đã phơi khô của cây thầu dầu thấy chứa một protein rất độc có tên ricin, chiếm tỷ lệ 3 – 5% trong hạt. Nhưng sau khi ép dầu thì chất này lại nằm trong khô dầu nên không sử dụng được khô dầu. Cũng theo GS. Đỗ Tất Lợi thì chất độc ricin có trong hạt thầu dầu này chỉ cần liều 0,002mg cho 1kg thể trọng đã giết chết một con thỏ. Hay chỉ cần 3g khô dầu cũng đủ giết chết một con bê nặng 100kg. Hoặc chỉ cần tiêm 0,003mg chất độc ricin cho 1kg thể trọng chó cũng đủ giết chết nó.
Với người, 3mg tiêm dưới da hay 180mg uống tức chỉ 1 hạt thầu dầu cũng đủ gây nôn mửa, 3 – 4 hạt là đủ làm chết trẻ em, 14 – 15 hạt là giết chết người lớn. Cơ chế tác dụng gây độc của ricin là làm vón hồng cầu và bạch cầu lại.
Tuy nhiên, tiêm chất ricin đã được đun lâu có thể gây miễn độc. Thanh huyết miễn độc antiricin để lâu cũng có thể làm giảm bớt hiệu lực. Do có độc tính như vậy nên trong Đông y người ta không sử dụng hạt thầu dầu làm thuốc uống trong, mà chỉ sử dụng làm thuốc đắp ngoài. Tác dụng của độc chất này giống như vi khuẩn nên có thể gây miễn dịch, nghĩa là khi cho súc vật ăn với liều nhỏ, làm nhiều lần, sau đó lại cho chúng ăn tăng lên với liều khá cao mà súc vật không gây chết.
Dưới đây là một số phương thuốc chữa trị từ cây thầu dầu tía
* Chữa đau đầu do cảm: Lấy lá thầu dầu tía đắp lên trán và 2 bên thái dương, một lát sau sẽ thấy đầu nhẹ giảm hay khỏi đau (kinh nghiệm trong dân gian).
* Làm thuốc để tẩy nhẹ: Lấy dầu hạt thầu dầu 10-30g, uống vào lúc đói, chỉ cần sau 3-4 giờ là sẽ đi tiêu nhiều lần mà không bị đau bụng. Nếu muốn tẩy mạnh chỉ cần tăng liều dầu hạt thầu dầu lên 30-50g thì sẽ đi đại tiện kéo dài 5-6 giờ liền (Theo GS. Đỗ Tất Lợi).
* Chữa sa tử cung và trực tràng: Lấy hạt thầu dầu giã nát sau lấy đắp lên đầu.
* Sinh khó hay sót nhau: Lấy hạt thầu dầu 14 hạt, giã nát đem rịt vào lòng bàn chân cả 2 bên, nhưng khi đã sinh xong hay nhau sót đã ra hết phải tháo bỏ ngay thuốc ra và rửa sạch lòng bàn chân nơi đã đắp thuốc.
* Chữa liệt thần kinh mặt: Lấy hạt thầu dầu giã nát đắp vào phía mặt nơi đối diện (theo TS. Võ Văn Chi).

Thịt rắn mối – món ăn vị thuốc


Rắn mối là con vật rất hiền lành nhưng chưa hẳn ai cũng dám bắt chúng. Người không quen, nhìn chúng đã khiếp sợ huống chi là ăn thịt. Nhưng ai đã một lần ăn thịt rắn mối đảm bảo không thể nào quên bởi cái hương vị thơm ngon, đậm đà, bổ dưỡng.
ĐBSCL rắn mối nhiều, nhất là vào những tháng 11-12 sau khi nước rút. Rắn mối con lớn nhất bằng ngón chân cái, nặng khoảng 100-150 gram, mỗi con dài khoảng một gang tay. Rắn mối có lớp vảy óng ánh trên mình, chạy rất nhanh khi gặp nguy hiểm. Đây cũng là loài nhạy bén trong cách săn mồi, vì chúng có cái mũi và lưỡi rất thính. Gọi là rắn mối vì thức ăn khoái khẩu của chúng là những con mối sống trong các tổ mối và gốc cây mục.
Hiện nay, nhiều người thích thưởng thức các món ăn mang nguồn gốc thiên nhiên. Trong đó, có rắn mối đã được bàn tay khéo léo của con người chế biến ra những món ăn hết sức độc đáo mà đơn giản. Rắn mối có thể chế biến được rất nhiều món ngon miệng. Từ những món đơn giản đến món ăn cầu kỳ như: rắn mối nướng than, chiên giòn, cà ri, xào sả ớt, cháo rắn mối, rắn mối nướng mọi, rắn mối luộc mẻ, khô rắn mối, rắn mối nướng sa tế… Người ta tìm ăn rắn mối như một thực phẩm thượng hạng.
Rắn mối bắt được đem về vẫn còn sống, đem nhấn xuống nước khoảng 20 phút làm chúng bất tỉnh, rồi nướng qua lửa rơm, làm như vậy đuôi của chúng không bị rụng. Nướng rắn mối xong ta dùng một que tre cạo sạch lớp vảy khét rồi đem đi mổ bụng. Công đoạn kế tiếp là bắc nước lên để luộc rắn mối độ khoảng 15-20 phút. Rắn mối chín vớt ra đĩa dùng tay xé lấy thịt loại bỏ xương. Thịt rắn mối trông giống như thịt gà. Để cho thịt rắn mối thơm ngon hơn người ta đem thịt xào sơ qua với hành tỏi, thịt vàng ươm trông rất hấp dẫn. Kế tiếp ta dùng nước luộc rắn mối bỏ gạo đã rang sẵn nấu đến khi cháo nhừ và nêm gia vị cho vừa ăn. Khi cháo đã chín múc ra tô, đừng bỏ qua phần gia vị quan trọng là phi tỏi thật thơm, rắc ít tiêu để ăn cùng với cháo.
Theo lời ông bà truyền lại, thịt rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trẻ con đêm ngủ thở khò khè, cho ăn thịt rắn mối sẽ khỏi ngay. Ăn thịt rắn mối còn giúp da mặt phụ nữ thêm mịn màng.

Thuốc từ đu đủ đực


Đu đủ có nhiều giống khác nhau, song với từng giống cũng có tới 3 loại đó là đu đủ cái, đu đủ đực (loại này chỉ có hoa đực thành dải dài, không kết quả) và đu đủ lưỡng tính là loại ra hoa thành dải dài, sau đó hoa kết quả nhưng bé như quả cau không lớn được, cả ba loại này đều có thể sử dụng làm thuốc trị nhiều bệnh; nhưng ở đây xin chỉ nói đến các loại thuốc được sử dụng từ đu đủ đực để mọi người cùng tham khảo.
* Trị ho cho trẻ em: Lấy hoa đu đủ đực (loại vừa mới chớm nở) từ 10 - 20g. Sau trộn với đường kính hoặc mật ong càng tốt. Đem hấp cơm trong 15 đến 20 phút là được. Lấy ra dùng thìa nghiền nát nhuyễn, rồi chia ra 2 - 3 lần cho trẻ uống trong ngày. Chiêu cùng với nước sôi để nguội. Vài ba ngày sẽ khỏi.
* Ho kèm theo mất tiếng (viêm họng thanh quản): Hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, hạt chanh 10g. Để tươi rồi nghiền nát cả 3 thứ, sau đó hòa với 20ml nước lọc, cho thêm chút mật ong hoặc đường kính cho uống 2 - 3 lần trong ngày. Cần uống như vậy 2 - 3 ngày liền.
* Ho nhiều do viêm họng: Hoa đu đủ đực 15g, xạ can 10g, mạch môn đông (củ) 10g, húng chanh (tần dày lá) 10g. Cho tất cả các vị trên (đã rửa sạch) cùng chút muối ăn vào bát và đem hấp cơm chừng 15 - 20 phút. Lấy ra nghiền nát, rồi chia ra cho ngậm trong 2 - 3 lần trong ngày, cần nuốt từ từ cho thuốc tác dụng trực tiếp vào nơi họng viêm.
* Trị ho gà: Hoa đu đủ đực 50g, dây tơ hồng 50g, rau má 35g, lá xương sông 20g, lá hẹ 15g. Tất cả sắc với 1.500ml nước, còn lại 500ml, thêm 75g đường kính, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 100ml.
* Chữa đái rắt, đái buốt, đau niệu đạo, nước tiểu ít và đỏ: Hoa đu đủ đực (hoặc quả của cây đu đủ đực lưỡng tính) 40g, lá bạc thau 60g, đậu đen 40g, phác tiêu 4g. Sắc lấy nước đặc, chia 3 lần uống vào lúc đói bụng.
* Chữa tưa lưỡi ở trẻ: Lấy quả đu đủ đực thái nhỏ phơi khô, tán bột mịn, cùng với gốc cây mây (lấy chỗ mọc khô ráo), rồi đốt thành than, tán bột. Trộn hai loại bột này với nhau với tỷ lệ 3 phần bột quả đu đủ đực, 1 phần bột gốc mây. Sau đó lấy tăm bông chấm thuốc bôi hàng ngày đánh trên lưỡi trẻ bị tưa.
* Chữa rắn cắn: Rễ đu đủ đực 20g, lá xuyên tiêu 10g, hồng bì 5 hạt, tất cả giã nhỏ cho nước vào trộn đều gạn nước cho người bị rắn cắn uống. (Lưu ý chỉ sử dụng kết hợp hay đơn độc khi điều kiện của y tế không có, vì có những loại rắn cực độc có thể tử vong ngay chưa kịp đưa đến cấp cứu, trị liệu).

Cá chim trị thận hư, liệt dương


Giống như các loài, cá chim cũng có nhiều tên gọi khác như Thoa phiến ngư, Xương ngư, Bình ngư… Tên khoa học Stomateoides argenteus Euphrasen, họ cá chim trắng (Stomateoidae). Cá chim sống ở các vùng biển nước ta. Ngoài ra còn có loại cá chim nước ngọt có nguồn gốc Nam Mỹ được nuôi phổ biến tại nhiều nơi.
Cá chim thịt ngon và bổ, được nhân dân ta coi là đặc sản hàng đầu trong các loài cá biển (chim, thu, nụ, đé). Biển nước ta có nhiều loại cá chim như cá chim trắng, cá chim đen, cá chim gai, cá chim Ấn Độ là loại cá hai vây Momeidea... nhưng gặp phổ biến và có giá trị hơn cả là loại cá chim trắng và đen.
Như đã nói, ngoài các loại cá chim biển, hiện nay ở nước ta còn có loại cá chim nước ngọt. Cá chim nước ngọt có tên khoa học là Colossoma brachypomum, có nguồn gốc tại vùng Amazon, Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ năm 1998. Cá này cho thịt ăn ngon, lại lớn nhanh gấp 3 – 4 lần các loài cá khác, hiện đang được nuôi ở nhiều địa phương. Cá chim trắng nước ngọt có màu xám bạc hoặc màu ánh bạc hơi xanh, hàm trên và hàm dưới của cá đều có răng khá sắc có tác dụng cắn xé thức ăn (cá nhỏ, tôm, tép...). 
Thịt cá chim, dù là cá chim trắng, chim đen hay chim trắng nước ngọt đều là loại thực phẩm ngon và nhiều chất dinh dưỡng, giàu omega - 3, nhiều protein có lợi cho sức khỏe. Cá chim thường được bán trên thị trường dưới các dạng đông lạnh nguyên con, phi lê đông lạnh tươi, cắt khúc đông lạnh tươi.
Đông y cho rằng, cá chim có vị ngọt mặn, tính hơi ôn, đi vào các kinh tỳ & thận. Có công hiệu kiện tỳ, dưỡng huyết, bổ vị cố tinh, nhu lợi cân cốt. Được dùng trong các trường hợp kém ăn, cơ thể suy nhược, hồi hộp, đánh trống ngực (tâm quí), đau đầu hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, quên lẫn, đau nhức, mỏi mệt, tê bại vùng cổ, thắt lưng và tay chân. Liều dùng trung bình từ 200 – 250g/ ngày dưới dạng món ăn như nấu, xào, hầm, om, nướng hay chiên rán.
Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn trị bệnh từ cá chim để cùng tham khảo hay ứng dụng mỗi khi cần.
* Trị phong thấp, thoái hóa xương khớp, đau nhức chân tay, lưng đau gối mỏi, yếu: Dùng món canh cá chim hạt dẻ gồm cá chim 250g, hạt dẻ 15 – 20 hạt. Làm sạch cá, hạt dẻ đập dập bỏ vỏ, cho gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm, cần ăn liền 5 – 7 ngày.
* Trị thận hư, liệt dương, di tinh: Dùng canh ngài tằm cá chim gồm cá chim 250g, ngài tằm 20 con, làm cá sạch cho cùng ngài tằm, nêm gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm ăn 7 ngày.
* Trị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do tỳ vi hư nhược, thiếu máu do huyết hư thiểu dưỡng: Dùng canh “xương ngư nhị bạch” gồm cá chim 250g, Bạch truật 15g, Bạch thược 15g. Sắc thuốc lấy nước bỏ bã cho cá chim đã sạch, cắt khúc nấu nêm gia vị vừa đủ, ăn trong ngày cùng bữa cơm.
* Trị tiêu hóa kém, chán ăn, gầy yếu: Dùng canh cá chim đậu trắng gồm cá chim 250g, đậu trắng hạt to 30g. Làm sạch cá cắt khúc cho đậu và gừng tươi đập dập, nấu thành canh, them hành sống và gia vị vừa đủ, ăn trong ngày.
* Chữa trị các chứng đau đầu hoa mắt chóng mặt do huyết hư, tim hồi hộp, mất ngủ, suy nhược cơ thể: Dùng món cá chim hầm sâm quy thục hoài sơn gồm cá chim 250g, đảng sâm, đương quy, thục địa mỗi vị đều 15g, sơn dược 20g. Các vị thuốc sắc lấy nước bỏ bã, cho cá chim cắt khúc vào nước thuốc hầm chín ăn trong ngày.
Lưu ý không dùng cho người bị cao mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, và không ăn nhiều.

Diếp cá chữa trĩ


Dấp cá còn gọi là diếp cá, trấp cá, gọi theo tiếng Hán là ngư tinh thảo. Đây là loại cây mọc hoang được trồng để làm rau gia vị. Dấp cá được Đông y dùng để chữa nhiều bệnh.
Diếp cá là dạng cây cỏ, cao 20-40 cm. Thân màu lục hoặc đỏ tía. Lá mọc so le, hình tim, có bẹ, khi vò có mùi tanh như cá. Hoa nhỏ, màu trắng hoặc vàng nhạt, họp thành bông có 4 lá bắc màu trắng trông như một chiếc hoa riêng lẻ. Hạt hình trái xoan nhẵn.
Cây mọc trên đất ẩm trong thung lũng, ven suối, bờ mương. Phân bố khắp các tỉnh miền núi và có nhiều ở các vườn nhà vùng đồng bằng nông thôn. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, bỏ rễ. Thu hái quanh năm và thường dùng tươi.
Theo Đông y, rau diếp cá vị cay tanh hôi (có mùi tanh như cá), tính ấm mát, hơi có độc, đi vào kinh phế. Có tác dụng chữa trĩ, đinh nhọt, chữa chốc đầu, ghẻ lở, đau răng, sởi, đau mắt đỏ, bí tiểu tiện, phụ nữ kinh nguyệt không đều, có thể phối hợp với một số vị thuốc nam khác chữa sốt xuất huyết. Thường dùng dưới dạng sắc hoặc ép nước cốt hoặc chế dầu dấp cá để nhỏ mắt. Liều dùng thông thường loại cây khô từ 6-12 g, hoặc cây tươi (dùng lá) từ 20-40 g.
Một số bài thuốc có rau diếp cá
- Chữa sốt xuất huyết:  
Rau diếp cá, lá bồ ngót, lá cỏ mực, mỗi thứ 100 g, sắc đặc, uống làm nhiều lần trong ngày.
- Chữa bệnh trĩ:
Rau diếp cá dùng ăn sống hằng ngày, kết hợp lấy diếp cá giã nát và rịt vào nơi bị trĩ, băng lại mỗi ngày 1-2 lần rất tốt.
Nếu trĩ đau nhức thì lấy lá diếp cá nấu nước sôi đổ ra chậu để xông hậu môn, đến lúc nước còn ấm thì ngâm và rửa sạch vùng hậu môn.
- Chữa mụn nhọt sưng đỏ:
Lấy vài lá diếp cá rửa sạch, giã nát, khi đi ngủ rịt vào mụn nhọt băng lại, sáng dậy bỏ ra, làm vài lần sẽ mau khỏi.
- Chữa vú sưng tắc sữa:
Dùng 20 g cây diếp cá khô, táo đỏ 10 quả. Đổ vào 600 ml nước, sắc còn lại 200 ml, chia đều 3 lần uống trong ngày.
- Chữa đau mắt đỏ:
Rau diếp cá 10 lá, rửa sạch giã nhuyễn, dùng vải mỏng hoặc giấy xốp gói đắp lên mắt sẽ khỏi.
- Chữa viêm tuyến vú:
Lá diếp cá 30 g, lá cải trời 30 g (cải trời tức hạ khô thảo nam), giã nát, thêm chút nước sôi để nguội vắt lấy nước cốt uống, còn bã chưng nóng với giấm rịt vào nơi sưng đau vài lần là khỏi.
- Chữa tiểu buốt, dắt:
Rau diếp cá, rau má, lá  mã đề mỗi thứ 50 g rửa sạch, vò nát, lọc lấy nước trong uống nhiều ngày sẽ khỏi. 
- Chữa viêm đường hô hấp do sởi:
Rau diếp cá, rau dền đỏ, lá đậu săng, cam thảo đất, mỗi thứ 15-20 g. Đổ 3 bát sắc còn 1 bát, chia 3 lần uống trong ngày.
Rau diếp cá là vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh có hiệu quả cũng là loại rau ăn gần gũi với mọi gia đình.