Rau ngót còn gọi là bồ ngót, tên khoa học là Sauropus androgynus, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Rau ngót thuộc dạng cây bụi, có thể cao đến 2 m, phần thân khi già cứng chuyển màu nâu. Lá cây rau ngót hình bầu dục, mọc so le; sắc lá màu lục thẫm. Rau ngót được trồng rất phổ biến hoặc mọc hoang khắp nơi. Người dân vừa dùng lá (đọt hoặc lá non) nấu canh với tôm hoặc các loại thịt và dùng rau ngót để chữa trị một số bệnh.
Theo các thầy thuốc, rau ngót có vị ngọt, được dùng làm thuốc thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết, tiêu ứ, bổ huyết, cầm máu, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ, phòng chống loãng xương ở người lớn tuổi, chữa thiếu máu, phòng ngừa táo bón, giảm cân và điều hoà lượng đường trong máu, tạo nhiều sữa cho sản phụ... Đặc biệt, theo trải nghiệm gần đây, ăn thường xuyên rau ngót (đã nấu chín) giúp cho cánh “mày râu’ cải thiện chất lượng tinh trùng và nhờ rau ngót chứa một nhóm hoạt chất sterol có tác dụng như hormone sinh dục nên có thể tạo hưng phấn tình dục. Sau đây là những tác dụng chính của rau ngót:
- Trị chứng đái dầm ở trẻ em: 40g rau ngót tươi rửa sạch, giã nát, sau đó cho một ít nước đun sôi để nguội vào rau ngót đã giã, rồi khuấy đều, để lắng và gạn lấy nước uống. Phần nước gạn được chia làm hai lần để uống, mỗi lần uống cách nhau khoảng 10 phút.
- Trị tưa lưỡi ở trẻ em: Lấy 10g lá tươi, rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước, thấm vào gạc mềm, sạch, đánh trên lưỡi (tưa trắng), lợi, vòm miệng trẻ em. Đánh nhẹ cho tới khi hết tưa trắng.
- Trị đổ mồ hôi trộm, táo bón ở trẻ em: Lấy 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn rồi nấu canh cho trẻ ăn. Đây không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng lại có tác dụng chữa bệnh, mà nó còn là vị thuốc kích thích ăn uống với những trẻ chán ăn. Đặc biệt, canh rau ngót nấu với thịt lợn nạc hoặc giò sống... không chỉ tốt cho trẻ em mà còn rất tốt cho cả người lớn bởi nó là một vị thuốc bổ, giúp tăng cường sức khoẻ với người mới ốm dậy, người già yếu hoặc phụ nữ sau khi sinh sẽ tiết nhiều sữa.
Ngoài ra, có một bài thuốc rất công hiệu để chữa các dạng hôn mê do sốt xuất huyết hoặc tai biến mạch máu não, gồm có các vị như sau: Giun đất phơi khô 50g, đậu đen 100g, lá bồ ngót phơi khô, sao qua (200g). Dùng 4 chén nước sắc còn lại nửa chén, chia làm 2 lần cho người bệnh uống hoặc đổ vào miệng.
Rau ngót có nhiều dinh dưỡng, nhưng các thầy thuốc khuyến cáo không nên ăn theo dạng tươi mà cần phải nấu chín và phụ nữ có thai không nên ăn rau ngót do trong bồ ngót tươi có chứa papaverin nên nếu dùng trên 30 gam lá tươi thì có nguy cơ sẩy thai.
No comments:
Post a Comment