Nghệ trắng (Wild tumeric) còn có tên khác là nghệ rừng, ngải dại, ngải mọi, ngải trắng, nghệ thơm, tiếng Pa-cô là Tara-hau-hen, tên khoa học là Curcuma aromatica, thuộc họ gừng.
Là loài của Á châu nhiệt đới, phân bố ở hầu khắp rừng nước ta. Nó cũng thường được trồng trong các vườn gia đình để lấy củ thơm và có bột như bột Hoàng tinh. Thu hoạch thân rễ vào mùa thu hay đông, loại bỏ rễ con, rửa sạch, ngâm nước 2 – 3 giờ, ủ mềm, bào mỏng, phơi khô hay sấy khô.
Là cây thảo cao khoảng 20 – 60cm có khi 1m, có thân rễ khỏe, với những củ hình trụ mọc tỏa ra có đốt, ruột màu vàng. Lá rộng hình giáo, nhẵn ở mặt trên, có lông mềm mượt ở mặt dưới, dài 30 – 60cm, rộng 10 – 20cm; cuống lá ngắn ôm lấy thân.
Theo các tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc, củ nghệ trắng chứa nhiều hoạt chất thuộc nhóm curcuminoit có tác dụng kháng sinh mạnh, nên được công nhận là thảo dược có nhiều lợi ích trong y học. Trong thành phần nghệ trắng còn có chứa một chất dầu bay hơi có mùi thơm vị cay, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư do tác dụng tiêu diệt và loại bỏ các khối u.
Các chuyên gia sức khoẻ Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc thử nghiệm, điều trị bệnh ung thư ruột bằng một loại thuốc được chế biến từ củ nghệ. Nên có lời khuyên nếu thường xuyên ăn nghệ này trong các bữa ăn sẽ giảm được nguy cơ ung thư ruột. Hay ăn nghệ cùng với ăn nhiều rau xanh, có thể ngăn ngừa được nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học tại New Jersey (Mỹ) đã chứng minh rằng, kết hợp ăn nghệ với bông cải xanh, cải xoắn, củ cải và bắp cải có thể bảo vệ bạn chống lại căn bệnh chết người này.
Đông y cho rằng, nghệ trắng có vị cay, đắng, tính mát; có tác dụng hành khí giải uất, lương huyết phá ứ lợi mật, trừ hoàng đản. Thường dùng trị tức ngực, trướng bụng; nôn ra máu, chảy máu cam, đái ra máu; viêm gan mạn, xơ gan đau nhức, hoàng đản; kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh; động kinh. Ngoài ra còn dùng củ giã ra ngâm trong rượu hoặc sao lên trộn lẫn với những vị thuốc khác để trị đau thấp khớp.
Dưới đây là một số cách sử dụng nghệ trắng trị bệnh.
* Chữa ho gà, thấp khớp: Giã 10g nghệ trắng, tẩm rượu, cho vào lọ kín hấp cách thủy trong 1 giờ, chắt lấy nước uống trong ngày.
* Phong thấp, bong gân, sai khớp: Củ nghệ trắng 10g, rễ ô đầu 10g, nhân hạt gấc 10g. Tất cả giã nhỏ, ngâm rượu với mật gấu hay mật trăn sau 1 tháng là được, dùng xoa bóp.
* Đau bụng kinh, bổ máu sau khi sinh: Nghệ trắng 20g, lá nhọ nồi 20g, củ gấu 20g, lá mần tưới 20g, tô mộc 16g, ngải cứu 12g. Tất cả sao vàng sắc với 400ml nước còn khoảng 100ml, chia 2 lần uống trong ngàỵ
* Phong thấp, bong gân, sai khớp: Củ nghệ trắng 10g, rễ ô đầu 10g, nhân hạt gấc 10g. Tất cả giã nhỏ, ngâm rượu với mật gấu hay mật trăn sau 1 tháng là được, dùng xoa bóp.
* Chảy máu cam, nôn ra máu, đái ra máu, viêm gan: Nghệ trắng, địa long (giun đất), đơn bì, chi tử mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
* Nôn ra máu: Nghệ trắng 10g, Địa long 10g, Đơn bì 10g, Chi tử 10g, sắc uống.
Cần lưu ý là ba loại nghệ tuy hình dáng thân cây, lá và hoa trên mặt đất hơi giống nhau, nhưng rễ hoàn toàn khác nhau về màu sắc, kích cỡ, hình dáng, mùi vị và tác dụng.
Nghệ vàng có màu vàng sặc sỡ hơn đã được nghiên cứu và được dùng rất phổ biến trên toàn thế giới, có tác dụng tốt chữa đau dạ dày và làm lành các vết loét dạ dày, trong khi các loại còn lại ít sắc tố hơn và công dụng cũng khác nhau, nhưng nhiều người cứ dùng lẫn lộn rồi truyền miệng mà không có một chứng cứ khoa học nào.
Nghệ trắng cũng được cảnh báo là không dùng cho phụ nữ mang thai vì có nhiều nguy cơ sảy thai, không được dùng trước hoặc sau khi tiến hành phẫu thuật vì làm chậm quá trình đông máu gây chảy máu nhiều, có thể dẫn đến tử vong. Dù sao khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào kể cả thảo dược thiên nhiên cũng cần tham khảo ý kiến các chuyên gia.
No comments:
Post a Comment